Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Thứ Sáu tuần XXI thường niên- 31/8/12

Tích cực sống đức tin

Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào (Mt 25,13)

Suy niệm: 
Đời người là một cuộc đợi chờ và đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu trong đó. Đợi chờ chính là một cuộc thử nghiệm tình yêu, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong một người nào hoặc điều gì mà mình hết lòng yêu thương hoặc quý chuộng. Với ý nghĩa đó, đợi chờ phải là một cuộc chuẩn bị thực sự.
Dụ ngôn muời trinh nữ chờ đợi chàng rể đến lúc bắt đầu tiệc cưới mà Giáo hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, làm nổi bật thái độ tỉnh thức đợi chờ, nghĩa là các trinh nữ hướng về chàng rể với tâm hồn yêu thương, với đèn dầu để cháy sáng.
Chúa Giêsu được mô tả qua dung mạo chàng rể, và tiệc cưới là Nước Thiên Chúa. Chàng rể đến chậm và vào lúc bất ngờ, tức là việc Chúa Kitô đến trong vinh quang vào lúc cuối cùng lịch sử là điều bất ngờ, không ai có thể đoán trước được. Các trinh nữ được bước vào tiệc cưới với đèn cháy sáng. Đèn cháy sáng là dấu chỉ của một đức tin sống động. Các trinh nữ khôn ngoan đã lãnh lấy và chu toàn trách nhiệm của mình để giữ đèn của mình được luôn cháy sáng, cho đến khi chàng rể là Chúa Kitô đến, dù chàng rể có đến chậm.
Những chi tiết của dụ ngôn cho hiểu thêm trách nhiệm của cá nhân trong việc giữ cho đèn đức tin được luôn cháy sáng. Mỗi Kitô hữu phải tích cực sống đức tin, chứ không thể vay mượn hay nhờ người khác làm thay được, mỗi Kitô hữu cần đến sự khôn ngoan của Thiên Chúa để vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời, để luôn sống trong hy vọng, sống theo ánh sáng sự sống, chứ không bị mê hoặc bởi những cám dỗ của thời đại đã bị trần tục hóa và đầy tinh thần hưởng thụ.
Cầu nguyện: 
Xin Chúa mở rộng đôi mắt chúng con, để chúng con nhận ra sự hiện diện của Chúa trong lịch sử. Xin Ngài ban sức mạnh để chúng con chu toàn bổn phận cho phù hợp với thánh ý Chúa.

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI - Thứ Năm tuần XXI thường niên- 30/8/12

Tỉnh thức chờ Chúa

Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến (Mt 24,42)
Suy niệm: 
Các nhà chú giải thường đề nghị đọc và suy niệm những dụ ngôn của Chúa Giêsu về việc Chúa trở lại trong vinh quang trên hai bình diện: Kitô Học và Giáo Hội Học. Trên bình diện Kitô Học nhấn mạnh đến việc Chúa trở lại vào cuối lịch sử như một quan tòa xét xử mọi người. Trên bình diện Giáo Hội Học nhắc đến thời giờ của Giáo hội trong thời gian, từ khi Chúa lên trời cho đến lúc Ngài trở lại; trong thời gian này, mỗi Kitô hữu phải tích cực chờ đợi và chu toàn bổn phận của mình một cách tốt đẹp.
Hai dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay cho thấy ý nghĩa bổ túc cho nhau: dụ ngôn thứ nhất nói về kẻ trộm đến bất ngờ trong đêm, do đó người chủ phải sẵn sàng luôn; sự sẵn sàng này được giải thích trong dụ ngôn thứ hai về người đầy tớ trung tín và khôn ngoan thi hành mệnh lệnh của chủ, cứ đúng giờ mà cấp phát lương thực cho người nhà.
Thật không dễ dàng có thái độ sẵn sàng theo đúng ý Chúa muốn. Vào thời các Tông đồ, có những tín hữu quá sốt sắng chờ đợi Chúa trở lại đến độ lơ là việc bổn phận của mình. Đó là thái độ của tín hữu cộng đoàn Thessalonica mà thánh Phaolô đã phải khuyến cáo: “Thưa anh em, về ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với Ngài, thì tôi xin anh em điều này: nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào."
Sống chờ đợi Chúa lại đến gần không phải bằng thái độ thụ động, nhưng là bằng thái độ tích cực. Thánh Phaolô đã mô tả thái độ đó như sau: "Anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bất chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, là con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ, hãy mặc áo giáp là đức tin và đức mến, hãy đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ."
Sống đức tin, đức cậy, đức mến, trong khi chờ đợi Chúa đến, không có nghĩa là chúng ta bỏ quên sự dấn thân của mình. Mỗi người chúng ta cần phải luôn tỉnh thức với thái độ tích cực, đồng thời nỗ lực góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nhớ rằng: chúng con chỉ là đầy tớ vô dụng của Chúa. Chúa cho chúng con tham dự vào sự sống trần thế để làm vinh danh Chúa. Chúa cho chúng con trông coi gia sản của Chúa để chúng con ban phát cho nhau những ơn lành đã lãnh nhận từ Chúa. Xin giúp chúng con luôn biết chu toàn bổn phận Chúa đã trao. Xin giúp chúng con luôn tỉnh thức để chờ đón Chúa đến. Chúa đến không chỉ mỗi ngày trong Thánh Thể, nhưng còn nhiều lần trong ngày, qua dung mạo của tha nhân đang cần chúng con yêu thương, cảm thông và giúp đỡ. Có thể họ là những người thân trong gia đình mà chúng con đang phải có trách nhiệm yêu thương. Có thể họ là những người nghèo khổ, đói rách hay bệnh tật đang cần chúng con chia sẻ. Xin cho chúng con đừng trốn tránh hay làm ngơ trước nhu cầu của tha nhân và mau mắn giúp đỡ với lòng bác ái vị tha.
Lạy Chúa, xin dùng chúng con như khí cụ bình an của Chúa để chúng con ra đi gieo yêu thương vào lòng nhân thế hôm nay. Amen

Những Tấm bánh trong đời

Thật thấm thía với những suy tư của Tâm Thương trên WGPSG. Xin chia sẻ với mọi người.

Những “Tấm Bánh” trong đời

WGPSG --Thứ Hai, ngày 27.08.2012, Giáo hội cử hành lễ nhớ Thánh nữ Mônica. Chiều nay có khá đông bà con giáo dân tham dự Thánh lễ ở nhà thờ Đồng Tiến, giáo hạt Phú Thọ, Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh, tọa lạc ở số 54 đường Thành Thái, phường 12, quận 10, Tp. Hồ Chí Minh. Hình ảnh đánh động tâm hồn tôi trong Thánh lễ chiều nay đó chính là lúc linh mục dâng tấm bánh thánh lên cao. Hình ảnh này làm tôi nhớ tới những “tấm bánh” giữa đời thường hôm nay. 
Bạn thân mến, tấm bánh không chỉ là thức ăn nuôi sống con người. Tấm bánh còn nói đến sự cho đi và hy sinh. Cho đi để người khác được đón nhận. Hy sinh để người khác được hạnh phúc. Vậy, bạn từng cảm nhận những tấm bánh như thế bao giờ trong đời chưa? Nếu nhìn dưới góc độ này thì cha mẹ là tấm bánh cho con cái. Linh mục là tấm bánh cho đoàn chiên. Và Chúa Giêsu là tấm bánh trường sinh cho nhân loại. Vậy, những “tấm bánh” như thế được thể hiện như thế nào giữa đời thường hôm nay?  
Cha mẹ là “tấm bánh” để con cái lớn khôn nên người 
Trước tiên, tình thương hy sinh của cha mẹ được ví như là tấm bánh để con cái khôn lớn nên người. Cha mẹ nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Bởi thế, một bạn trẻ đã cảm nghiệm về tình thương của mẹ như thế này: “Con yêu mẹ vì trong những lúc con ốm nặng, mẹ đã túc trực bên con, lo lắng cho con đến sụt ký. Mẹ đút cho con từng viên thuốc, muỗng cháo, muỗng cơm. Khi con than thuốc đắng, mẹ dỗ dành bằng cách cho con một cây kẹo ngọt lịm.” Quả thật, sự sống của con chính là của cha mẹ. Hạnh phúc và tương lai của con cũng chính là hạnh phúc của cha mẹ. Niềm vui, nỗi buồn, thành công và thất bại của con cũng là của cha mẹ. Điều này đã được một người con hiếu thảo cảm nhận như sau: “Đường kim từ tay mẹ, thành áo trên người con”. Tình yêu của cha mẹ dường như đều xuất phát từ những việc nhỏ nhặt như đường kim mũi chỉ ấy. Bất kể chúng ta đang ở nơi nào, núi cao hay vực thẳm, chân trời góc bể nào, thì tình yêu ấy vẫn luôn chấp cánh cho những uớc mơ của chúng ta. 
Thánh lễ chiều nay nhắc tới gương sáng hy sinh của Thánh nữ Mônica. Nhờ sự kiên trì cầu nguyện và hy sinh của bà mà Thánh Augustinô lớn khôn, thức tỉnh và trở thành một người hữu ích cho Giáo hội. Điều này gợi nhắc tới tình thương bao la như trời biển của cha mẹ đã dành cho mỗi chúng ta. Tình thương ấy được ví như là “tấm bánh” giúp chúng ta thành nhân và thành công. Đó là tấm bánh giữa đời thường. Đó là tấm bánh tình yêu. Chúng ta chỉ cảm thấu được sự cho đi ấy khi sống trong tình yêu: “Con yêu mẹ vì mẹ đã mang nặng đẻ đau để sinh ra con trên cõi đời này. Không những chỉ 9 tháng 10 ngày, mà cả cuộc đời mẹ luôn gánh phần cơ cực để con có được hình hài khỏe mạnh.” Chị tôi hay dẫn con đi ăn đùi gà. Những lúc như thế chị thường ngồi nhìn con chị ăn. Chị hy sinh không dám ăn để nhường cho con chị ăn. Phải chăng những lúc như thế chị đã trở thành “tấm bánh” cho con của chị rồi? Vậy, thực tế đời thường hôm nay còn có những nghĩa cử hy sinh nào tương tự như thế không?  
Linh mục trở nên “tấm bánh” để nuôi sống đoàn chiên 
Tiếp đến, linh mục trở nên tấm bánh giữa đời thường để nuôi sống đoàn chiên. Vì vậy, Cha Chevrier đã nói: “Linh mục là người bị ăn.” Điều này cũng đã được một Giám mục cảm nhận thật thấm thía: “Tôi nhận ra ơn gọi của người môn đệ Đức Ki-tô. Ơn gọi này không chỉ là truyền bá Tin Mừng, quy tụ dân Chúa, thông báo ý Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể, mà còn là hiến tế chính mình trong cuộc đời. Hiến tế bằng tình yêu và hi sinh. Cho dù một cách nào đó, người môn đệ Chúa sẽ phải chịu đóng đinh vào thánh giá, phải chịu cho trái tim mình bị đâm, để những giọt máu và nước sau cùng trong đó cũng đành đổ ra hết...” (ĐGM GB Bùi Tuần, Tĩnh tâm LM Gp LX tháng 6-2002). Vâng, theo Chúa chỉ có một con đường thập giá mà thôi. Vậy, tại sao lại gọi “linh mục là người bị ăn”? 
Quả thật, đời sống linh mục mỗi ngày bị hao mòn đi. Linh mục dành mọi thời gian cho giáo dân. Linh mục lo cho người nghèo, người bệnh tật, người già cả neo đơn trong giáo xứ. Linh mục lo cho thiếu nhi giới trẻ v.v.. Điều này đòi hỏi sự hy sinh lớn lao. Linh  mục hy sinh sống đời độc thân để lo cho đoàn chiên. Linh  mục lấy hạnh phúc của đoàn chiên làm niềm vui và hạnh phúc cho đời mình. Bởi thế, một linh mục trẻ tâm sự chân thành với tôi rằng: “Anh thấy đời sống linh mục mỗi ngày bị bớt đi. Bớt đi thời gian. Bớt đi sức khỏe. Bớt đi những ước muốn rất bình thường của con người.” Ngoài ra, một người giáo dân cũng đã từng cảm nghiệm tương tự như thế: “Linh mục phải ‘tự tiêu hao’ biết bao dự phóng, bao sáng kiến, bao lo toan, bao kế hoạch riêng tư... Nói cách khác, khi lo cho người khác được lớn lên, linh mục sẽ hy sinh chính bản thân ngài.” Phải chăng vì thế mà người giáo dân quý mến lý tưởng và hình ảnh của người linh mục? Vậy, tại sao người linh mục dám chấp nhận dấn thân chọn lựa lý tưởng hy sinh đời mình như thế? Bởi vì, người linh mục chọn Chúa Giêsu làm lẽ sống và cùng đích đời mình.  
Chúa Giêsu là “tấm bánh” trường sinh để nhân loại được sống 
Cuối cùng, Chúa Giêsu chính là tấm bánh trường sinh để nhân loại được sống đời đời: “Ai ăn bánh này thì sẽ được sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, ấy là thịt Ta vì sự sống thế gian” (Ga 6, 51b). Quả thật, Chúa Giêsu đã trở nên tấm bánh tình yêu cho nhân loại. Tình yêu cho người nghèo. Tình yêu cho người tội lỗi. Tình yêu cho người bệnh tật. Thế nên, một tác giả đã cảm thấu thế này: “Tấm bánh của Lời Hằng Sống, của Tình Yêu cao vời mà Thiên Chúa dành trọn cho con người, Ngài không được lợi lộc gì khi trao ban cho con người chính Mình và Máu của Ngài, vì Ngài là Tình Yêu, và được nhìn thấy con người hạnh phúc là Niềm Vui của Ngài.” Vậy, mỗi lần lên rước lễ, chúng ta đã cảm nghiệm được tấm bánh tình yêu của Chúa Giêsu như thế nào?  
Bạn thân mến, những tấm bánh trong đời thật ý nghĩa biết bao. Tấm bánh của tình yêu và sự hy sinh. Tấm bánh chỉ biết nghĩ đến người khác chứ không ích kỷ nghĩ đến bản thân. Những tấm bánh như thế đem lại nhiều giá trị sống cho con người thời đại hôm nay. Bởi vậy, một người nào đó đã trải nghiệm cuộc đời như sau: “Con tim ích kỷ chỉ đón nhận những gì có lợi cho mình, và chỉ cho đi những gì không thiệt thòi cho mình. Điều đó không đem lại cho con người sự no đầy, mà ngược lại, nó làm con người thêm đói khát. Càng gom góp con người càng thấy thiếu. Chỉ biết thu vén, không bao nhiêu là đủ.” Vậy, bạn và tôi có dám trở nên tấm bánh để cảm thông và chia sẻ với tha nhân như Chúa muốn không?

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI -Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết- 29/08/12

Can đảm làm chứng cho sự thật 

Gioan lại bảo: Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài (Mc 6,18)

Suy niệm: 
Bài tường thuật của Máccô về cái chết của Thánh Gioan Tẩy giả rất rõ ràng và dễ hiểu. Ta cần ghi nhớ 2 điều :
- Gioan đã chết vì can đảm nói sự thật, theo đúng chức năng
ngôn sứ của mình.

- Cái chết của Gioan có nhiều nét tiên báo cái chết của Chúa Giêsu, vị ngôn sứ tiêu biểu: chết do can đảm sống sứ mạng của mình, chết do ác tâm của con người, chết trong sự thương tiếc của các môn đệ.
1. Ta hãy nhìn vua Hêrôđê: Một con người vẫn còn lương tâm (“vua nể sợ Gioan vì biết ông là người công chính thánh thiện; vua che chở ông. Khi nghe Gioan nói, nhà vua rất phân vân nhưng lại cứ thích nghe”), nhưng không can đảm làm theo tiếng của lương tâm.
2. Ta nhìn tiếp đến bà Hêrôđia: Một người đàn bà hoàn toàn để cho dục tình lôi cuốn. Vì dục tình, bà đã loạn luân; khi Gioan vạch tội bà, bà không ngại tìm dịp giết Gioan để không ai còn ngăn cản được cuộc sống loạn luân của mình nữa.
Lời một Thánh vịnh : “Kìa vực thẳm kêu gào vực thẳm”. Nếu không nghe tiếng lương tâm mà chỉ để cho đam mê xấu lôi kéo thì người ta sẽ phạm hết tội này đến tội khác.
3. Người ta đã giải thích lương tâm như sau : Đó là một khối ba góc ở trong tim ta. Khi ta làm gì tốt thì nó nằm yên. Khi ta làm gì xấu, nó quay và đâm các góc nhọn vào ta. Nếu ta cứ làm điều xấu, các góc nhọn của nó mòn dần và không làm ta cảm thấy gì nữa cả (Weapons and Workers).
4. Ta hãy nhìn nàng Salômê: Một người có tài mà không có đức. Cô đã dùng tài múa nhảy của mình để đòi phần thưởng là cái đầu của một vị ngôn sứ.
5. “Vua Hêrôđê sai người đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hêrôđia, vợ của người anh là Philipphê, mà ông Gioan lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh Ngài” (Mc 6,17-18)
Gioan đã chết chỉ vì nói lời sự thật. Một kết thúc bi tráng dành cho con người được gọi là cao trọng.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin cho con vẫn “thích nghe” tiếng lương tâm, cho dù phải “phân vân”, và nhất là phải can đảm làm theo sự hướng dẫn của lương tâm. Xin cho con ý thức những tài năng của con là những nén bạc Chúa giao để cho con sử dụng mà làm việc tốt phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em con.
Trong khi xã hội dạy cho con biết phải “khéo léo” chẳng nên làm chuyện thừa, Chúa lại dạy cho con một tấm gương mà nhìn vào con trở nên e ngại, gương của thánh Gioan Tẩy Giả. Con đang bước đi trong lòng một thế giới mà người ta bảo với con: “thật thà thường thua thiệt”. Có lúc ngay bên con, sự thật bị che lấp. Tận đáy lòng, con nghe tiếng Chúa mời gọi. Nhưng lạy Chúa:
- Ông ấy là “xếp” của con mà !
- Chị ấy là ân nhân của con.
- Trách nhiệm của con với gia đình.
- Áp lực xã hội…
Con đấy, luôn tìm một sự bình an tạm bợ. Xin cho con chút can đảm, và khi con bước đi trong sự thật là lúc con nhận được sự bình an của Chúa vì sự thật sẽ giải thoát chúng con.

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Bài học " Đức tin" mẹ dạy

Bài học "Đức tin" mẹ dạy

WGPSG -- Mở đầu những bài văn viết về người mẹ, người ta thường viết rằng: “Trái tim mẹ là kì quan tuyệt vời nhất…” hay “Tình mẹ là đại dương bao la…” v.v... Quả thật, kì quan, đại dương đều là những điều vĩ đại, lớn lao và có lẽ tình mẹ đối với nhiều người là như thế. Nhưng với con thì khác và con cũng sẽ chẳng bao giờ diễn tả tình yêu của mẹ đối với con bằng những mỹ từ ấy. Vậy nên, con xin phép được mở đầu bài viết này bằng một câu: “Tình yêu mà mẹ dành cho con nhỏ bé, bình thường lắm!”
Đúng vậy, suốt mười ba năm nay, con đã sống trong sự nhỏ bé và bình thường ấy. Thật kì lạ phải không mẹ? Nhưng thử nghĩ xem những việc làm của mẹ như lặng lẽ đắp chăn, chỉnh tư thế ngủ cho con, xoa đầu khen ngợi, ủi từng cái áo, nấu từng bữa ăn đạm bạc … có phải là những việc rất đỗi bình thường, bé nhỏ không? Đúng, đó là những việc chẳng có gì lớn lao và cũng sẽ chẳng có gì đáng nói nếu những việc đó không lặp đi lặp lại mỗi ngày, mỗi đêm trong mười ba năm qua.
Mười ba năm là khoảng thời gian quá dài để những việc đó trở thành thông lệ trong cuộc sống của con. Hay lại là một chặng đường quá ngắn để mẹ tin rằng con đã lớn khôn. Và rồi mẹ vẫn cứ thế, vẫn quan tâm từng thứ nhỏ nhặt của con, vẫn nhìn con với ánh mắt âu yếm như nhìn đứa con gái bé bỏng ngày nào, vẫn lo lắng mỗi khi con qua đường, mỗi khi con đi đâu đó một mình mà không có mẹ… Có lúc con tự hỏi, mẹ có cần phải suy nghĩ, bận tâm những thứ tầm thường, bình dị như thế không? Và đôi lúc, con đã phải bực mình vì điều đó. Bực chứ! Bực vì mẹ vẫn coi con là đứa con nít, mặc dù năm sau con đã lên lớp 9. Bực chứ! Bực vì mỗi lần xin mẹ đi đâu, mẹ đều gặng hỏi kĩ càng. Bực vì lúc nào mẹ cũng lặp đi lặp lại cái điệp khúc: phải ăn uống đầy đủ, học hành chăm chỉ… Bực vì rất rất nhiều thứ. Thế nhưng, không bao giờ con có thể giận mẹ quá một ngày, bởi con vẫn biết rằng tất cả cuộc sống của con là những gì quý nhất trong cuộc đời mẹ. Và mẹ có biết không, đối với con, mẹ cũng chính là cả thế giới này đấy.
Nhưng cuộc sống lại chẳng luôn tử tế với con như mẹ. Sóng gió luôn ập đến mái ấm gia đình mình, lấy mất của con sự ngây thơ, hồn nhiên vốn có. Để rồi đã có lúc, con trở nên lạnh lùng, bàng quan trước mọi sự. Con tung bay trong cuộc đời như cánh chim non không nơi nương tựa. Con phó mặc cho cuộc sống cuốn mình theo danh lợi, những thú vui vô bổ… Và mẹ vẫn âm thầm bên cạnh con, vẫn cứ là một chỗ dựa vững chắc cho con, dù con đã vấp phạm bao lỗi lầm. Con đã vô tình quên rằng những mất mát con phải gánh chịu chẳng là gì so với những đau khổ mà mẹ đã phải trải qua. Rồi mẹ nói với con rằng, mẹ đã vượt qua được tất cả là nhờ có Chúa. Đấng mà tưởng chừng con đã quên mất sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống với đầy những cám dỗ này.
Mặc dù ngay từ nhỏ, con đã được tiếp xúc với các sinh hoạt ở nhà thờ nhưng dường như theo năm tháng, tình yêu của con đối với Chúa đã bị thay thế bằng lối sống theo chiều hướng thế gian. Rồi khi nhìn thấy hình ảnh mẹ, một người phụ nữ nhỏ bé lúc nào cũng phải lo toan cho gia đình, tất bật với công việc nhưng lại chẳng bao giờ quên bổn phận của mình với Thiên Chúa. Mẹ vẫn đều đặn đi lễ mỗi ngày, dạy giáo lý và làm bao công việc tông đồ… Thế là ngọn lửa nhiệt thành trong con lại được bùng cháy mãnh liệt. Con học ở mẹ, biết tìm đến Chúa khi thành công cũng như lúc gặp thất bại và biết tích cực tham gia các sinh hoạt ở nhà thờ… Mẹ đã đưa con tìm về với Chúa cũng như mẹ đã giúp con nhận biết hạnh phúc đích thực của cuộc sống là chính Chúa.
Mẹ biết không, mẹ chính là món quà đặc biệt nhất mà Chúa đã gửi tặng cho con. Con cảm tạ Chúa đã cho con người mẹ nhỏ bé nhưng làm được những việc mà không phải ai cũng có thể làm được. Đồng thời con cũng cảm ơn mẹ đã giúp con đến gần Chúa và yêu Chúa hơn. Bài học đức tin mà mẹ dạy con là chính cuộc sống của mẹ. Và ước mơ lớn lao nhất của con lúc này là được trở thành một giáo lý viên như mẹ, một người vợ như mẹ và là một người mẹ bình thường như mẹ. Mẹ yêu dấu của con ơi!



 Uyên Thư!
....Vâng! Mẹ xin đươc đón nhận món quà mà con gửi tặng mẹ, trên trang WGP trong ngày mừng Lễ Thánh Monica. Mong rằng những gì con đã nghĩ sẽ là hành trang quý giá cho con trong suốt cuộc đời!!!

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Thứ Ba tuần XXI thường niên- 28/08/2012

Chúa kết án thái độ vụ hình thức

Hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch (Mt 23,26)

Suy niệm: 
Tin mừng hôm nay ghi lại hai lời kết án của Chúa đối với thái độ vụ hình thức. Trước hết là việc giữ luật bên ngoài thật tỉ mỉ, mà không có lòng đạo đức thật, không thực thi công bằng và tình yêu thương.
Chúa Giêsu không kết án các Luật sĩ và Biệt phái vì sự tuân giữ luật Môsê một cách tỉ mỉ: họ tuân giữ những điều hết sức nhỏ để tỏ ra mình sốt sắng đạo đức, nhưng họ lại lỗi phạm những điều lớn về đức công bằng và tình yêu thương, họ làm như thế chẳng khác nào lọc lừa con muỗi ra ngoài, nhưng lại nuốt cả con lạc đà nguy hiểm hơn.
Thái độ vụ hình thức của các Luật sĩ và Biệt phái còn được thể hiện trong sự tuân giữ những nghi thức bên ngoài, mà không chăm lo tinh tuyền bên trong: họ lo rửa chén đĩa bên ngoài, mà bên trong tâm hồn thì đầy cướp bóc, tham lam. Việc tuân giữ nghi thức thanh tẩy bên ngoài, việc đến nhà thờ đọc kinh ngoài môi miệng mà thôi chưa đủ, cần phải để cho ơn Chúa biến đổi tận bên trong tâm hồn ngõ hầu trở nên con người mới. Sự hoán cải nội tâm quan trọng hơn và phải đi trước những thực hành đạo đức bên ngoài để tránh thái độ giả hình, vụ hình thức đáng bị Chúa Giêsu khiển trách.
Cầu nguyện: 
Nguyện xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng con khỏi những tham lam, ích kỷ, hẹp hòi. Xin cho chúng con sống ngay chính bên trong cũng như bên ngoài, sống điều chúng con nói trên môi miệng để làm chứng cho Chúa giữa mọi người.

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI-hứ Hai tuần XXI thường niên- 27/08/2012

Chúa Giêsu khiển trách sự giả hình


Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! (Mt 23,13)

Suy niệm: 
1. Khóa cửa Nước trời: Luật của Chúa Giêsu thì êm ái và nhẹ nhàng vì cốt lõi là tình thương. Thế nhưng nếu kẻ có quyền mà không có tình thương khi áp dụng luật thì thay vì luật dẫn người ta đi đến gần Chúa, lại đẩy người ta xa Chúa.
Ta hãy cầu nguyện cho những người lãnh đạo trong Giáo Hội và trong cộng đoàn chúng ta.
2. Truyền giáo là một việc làm khó khăn, nhưng giữ những người tòng giáo nhiệt thành theo Chúa là một việc làm khó hơn nhiều. Nhiều người lương hăng hái theo đạo vì thấy đạo dạy bác ái yêu thương. Nhiều người gia nhập cộng đoàn vì nghĩ cộng đoàn có tình yêu thương huynh đệ. Nhưng khi đã vào Giáo Hội hay cộng đoàn rồi. Nhiều người ê chề thất vọng vì thấy thực tế ngược lại hẳn những điều họ đã nghe “quảng cáo.”
3. Dẫn đường mù quáng: con đường chính của đạo là mến Chúa yêu người. Thế nhưng nhiều người không lưu ý đến điều đó mà chỉ chăm chú vào những chỗ tỉ mỉ của luật. Chẳng hạn khi ăn chay kiêng thịt thì những món nào được ăn, món nào không được, trước giờ dự lễ mà lỡ uống nước trà có được rước lễ không? Nhiều người khác còn giải thích đạo là một cách mê tín dị đoan.
4. Sau khi ly hôn, người chồng dọn đồ đạc ra khỏi nhà, đứa con gái hỏi mẹ:
- Sao mẹ đuổi bố?
- Tại bố hư!
Để nó khỏi vặn vẹo lôi thôi, người mẹ mua cho nó cái bánh. Thằng anh từ đâu phóng tới bẻ ngay một miếng bỏ vào mồm. Con bé khóc thét bắt đền. Người mẹ dỗ:
- Anh con hư qua. Nhưng thôi nín đi con, bỏ qua cho anh một lần đi.
Đứa bé phụng phịu:
- Thế mẹ có bỏ qua cho bố đâu?
Người mẹ nhìn xa xăm:

- Ừ, Mẹ cũng hư.
5. "Khốn cho các người hỡi các kinh sư và Pharisiêu giả hình! Các ngươi khóa cửa không cho thiên hạ vào! Các ngươi đã không được vào mà những kẻ muốn vào các người cũng không để cho họ vào” (Mt 23 ,13)
Chúa muốn con yêu mến mọi người mà không giữ lấy riêng gì. Chúa muốn con nắm chặt bàn tay thân tình mà không giật lại cho mình.
Thế mà hình như con lại làm toàn những điều ngược lại.
Con có thể yêu người khác và sẵn sàng làm tất cả cho họ; thế nhưng kèm theo đó là gì?
Là những đòi hỏi, những điều kiện mà con muốn người khác phải trả cho con xứng với cái mà con đã làm cho họ. Hoặc giả như có một ai khác đến và chiếm lấy chỗ đứng của con, thì con lại tỏ ra ganh tỵ, hiềm khích và hơn thế nữa con có thể gây tiếng xấu cho người đã cướp đi vị trí của con.
Vâng, con là thế đó. Con thường nghe người ta nói: mình không ăn được thì nên phá đi, đừng để kẻ khác chiếm lấy. Và con cũng thế!
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin cho con biết mở rộng cõi lòng và nắm chặt lấy bàn tay thân tình, để con được đón nhận và cho đi những gì con có thể.

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Lễ Thánh Barthôlomêô, Tông đồ- 24/08/12

Chúa tìm tôi hay tôi tìm Chúa

Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi (Ga 1,48)

Suy niệm: 
Nathanaen hỏi “Làm sao Ngài biết tôi ?” Chúa Giêsu đáp “Trước khi Philipphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi”: Chúa cũng biết con từ lâu và biết rất rõ. Con xin phó thác đời con cho Chúa.
Ngày nọ, một người bạn đến tìm nhà giảng thuyết Mc-Leod Campbell và hỏi: “Này anh, xin anh nói cho tôi hay; làm thế nào mà anh luôn tìm thấy Chúa ?” Nhà giảng thuyết trầm ngâm một lúc rồi nói: “Làm thế nào mà tôi luôn tìm thấy Chúa ư? Không đâu, tôi không luôn tìm thấy Chúa đâu, nhưng tôi biết là Chúa luôn tìm thấy tôi!”
“Ông Nathanaen hỏi Người : “Làm sao Ngài lại biết tôi ?” Đức Giêsu trả lời: “Trước khi Philipphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi” (Ga 1,48)
Có người lái buôn kia quyết đi tìm điều quý giá nhất trên đời, nhưng đó không phải là vàng bạc, đá quý, mà là Thiên Chúa. Anh đi mãi, đi mãi, và tìm đủ loại sách, mọi bậc thánh hiền nhưng vẫn không gặp được Thiên Chúa.
Một ngày kia, đang thơ thẩn trên dòng sông, bỗng anh thấy một đàn vịt. Đàn vịt con cứ muốn rời mẹ để đi kiếm ăn riêng. Vịt mẹ cứ phải lặn lội tìm hết con này đến con kia mà không tỏ ra giận dữ. Nhìn cảnh vịt mẹ cứ mãi tìm con, anh ta mỉm cười và đứng dậy trở về quê hương, hân hoan nói với mọi người rằng: Tôi đã đi tìm Thiên Chúa, và cuối cùng tôi khám phá ra rằng chính Ngài đã đi tìm tôi.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin cho con nghe được tiếng Chúa gọi thầm, để con nhận ra Chúa đang đến với con trong mọi biến cố của cuộc sống và trong những người anh em mà con gặp gỡ hằng ngày. Xin cho con cảm nghiệm được tình thương quan phòng của Chúa trong cuộc đời con để mỗi chúng con luôn khao khát hoàn thiện ơn gọi đời mình theo đúng ý Chúa.

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI -Thứ Năm tuần XX thường niên - 23/08/12

Tiệc cưới, áo cưới

Sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới (Mt 22,12)

Suy niệm: 
Dụ ngôn tiệc cưới và chiếc áo cưới trong Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta mặc lấy một trong những tâm tình cơ bản nhất của Kitô giáo, đó là hân hoan, vui mừng. Kitô giáo thiết yếu là đạo của Tin Mừng.
Trong rất nhiều sinh hoạt và hình ảnh của cuộc sống, Chúa Giêsu đã chọn bữa ăn như dấu chỉ ưu việt nhất để rao giảng Tin Mừng của Ngài. Nước Trời giống như một tiệc cưới, đây là một trong những hình ảnh được Chúa Giêsu sử dụng nhiều nhất để nói lên niềm vui của Nước Trời. Chúa Giêsu cũng mặc cho bữa tiệc của Ngài một ý nghĩa tượng trưng đặc biệt. Chúng ta chỉ cần nhớ lại tiệc cưới tại Cana, trong đó Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu để khách dự tiệc được tiếp tục cuộc vui. Ngài dự tiệc do Lêvi, do Zakêu và rất nhiều người thu thuế khoản đãi; Ngài đồng bàn với họ, chia sẻ một tấm bánh và uống một chén rượu với họ.
Không những đồng bàn với những người tội lỗi, Chúa Giêsu cũng không từ chối lời mời của những người biệt phái, những người giàu có. Ngài chia sẻ bữa ăn thân thiết với gia đình Marta, Maria và Lazarô tại Bêtania. Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể trong bữa ăn cuối cùng của Ngài với các môn đệ. Sau khi sống lại, Ngài ngồi đồng bàn với hai môn đệ trên đường Emmau. Ngài hiện ra trên bờ hồ và chuẩn bị bữa ăn cho các môn đệ, rồi Ngài cùng ăn cùng uống với các ông.
Bữa ăn là nơi thể hiện của những giá trị cao quí nhất trong cuộc sống con người, như gặp gỡ, hiệp thông, trao ban, chia sẻ, hân hoan. Chính vì ý nghĩa cao quí ấy, Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh bữa tiệc để nói lên những thực tại Nước Trời. Đến đây, chúng ta hiểu được ý nghĩa của hình ảnh chiếc áo cưới mà thực khách phải mặc vào khi dự tiệc cưới. Chiếc áo cưới ấy chính là tâm tình gặp gỡ, chia sẻ, trao ban, hân hoan mà con người phải mặc lấy để thuộc về Nước Trời.
Ước gì niềm vui bàn tiệc thánh mà chúng ta tham dự cũng được tiếp tục thể hiện trong đời thường của chúng ta. Ước gì cả cuộc sống chúng ta luôn được diễn ra trong gặp gỡ, chia sẻ, trao ban, vui tươi. Nhờ đó chúng ta cảm nhận được niềm vui đích thực của Nước Trời và thắng vượt được mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, Bí tích Thánh Thể là bàn tiệc mà Chúa đã dọn sẵn cho chúng con. Bàn tiệc này, Chúa bảo luôn đủ chỗ cho mọi người. Bàn Tiệc Thánh của Chúa không dành cho một đối tượng ưu đãi nào hay thành phần cốt lõi nào. Bàn tiệc của Chúa luôn rộng mở đón chào mọi người. Chúng con xin tạ ơn Chúa đã thương quy tụ chúng con quanh bàn tiệc của Chúa. Xin giúp chúng con biết sống tình huynh đệ với nhau trong sự chia sẻ, cảm thông, yêu thương và phục vụ. Xin giúp chúng con canh tân đổi mới cuộc đời hầu luôn xứng đáng tham dự bàn tiệc của Chú

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

ĐHY THĂM CÁC GIÁO ĐIỂM HẠT XÓM CHIẾU

Đức Hồng y thăm mục vụ các giáo điểm hạt Xóm Chiếu

WGPSG -- “Hãy mở lòng, mở trí để đón nhận quà tặng mà Chúa trao ban cho mỗi người hôm nay và trong thời gian sắp tới. Ba món quà tặng đó là: Sự sống, Chúa Giêsu Thánh Thể và Chúa Thánh Thần”.
Đó là lời đầu lễ của Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn trong Thánh lễ ban các bí tích ở giáo xứ An Thới Đông vào ngày 18.8.2012. Chắc rằng tâm tình trên cũng sẽ là cảm nhận của nhiều người khi được tham dự vào chuyến viếng thăm mục vụ các giáo điểm, giáo xứ thuộc hạt Xóm Chiếu của Đức Hồng y.
Sáng thứ Bảy 18.08.2012, Đức Hồng y đã cùng Cha Giuse Maria Đỗ Đình Ánh, Thư ký Tòa Giám mục (TGM), và Cha Anrê Trần An Hiệp, đặc trách Văn khố TGM đã “xuất hành” đến thăm mục vụ các giáo điểm, giáo xứ ở vùng sâu, vùng xa thuộc hạt Xóm Chiếu.
Xuất phát từ TGM, điểm đầu tiên đoàn dừng chân là giáo xứ Phú Xuân. Đến đây, đoàn đã được Cha Đaminh Ngô Quang Tuyên, hạt trưởng hạt Xóm Chiếu, kiêm chánh xứ giáo xứ Phú Xuân, đón tiếp. Cha Đaminh đã trình bày với Đức Hồng y và các cha trong đoàn về đường hướng phát triển giáo xứ trong tương lai. Sau đó, Cha Đaminh cùng tháp tùng với đoàn đến viếng thăm các giáo điểm ở huyện Cần Giờ thuộc hạt Xóm Chiếu.
Vào lúc 9g30, tại thánh đường giáo xứ An Thới Đông, Đức Hồng y đã cùng các cha trong đoàn hiệp dâng Thánh lễ với Cha Phanxicô Assisi Hoàng Minh Đức, chánh xứ An Thới Đông, Dòng Chúa Cứu Thế, và quý cha đến từ các giáo điểm. Tại đây, Đức Hồng y đã rửa tội cho 8 người lớn và 11 thiếu nhi; ban bí tích Thêm Sức cho 52 em thiếu nhi và 8 người lớn; và 14 em thiếu nhi Rước lễ lần đầu.
Trong phần huấn từ cuối lễ, Đức Hồng y đã biểu lộ niềm vui khi nhìn thấy những thay đổi rõ nét về đời sống đạo của giáo xứ An Thới Đông. Với một bầu khí ấm cúng, thân thương của một gia đình, ngài đã hài hước chia sẻ: Cách đây 4 năm, khi đến đây để rửa tội cho 150 anh chị em Dự tòng thì từ những người giúp lễ cho đến ca đoàn đều là hàng ngoại (từ nơi khác đến phục vụ). Thế nhưng, trong Thánh lễ hôm nay, cả giúp lễ và ca đoàn không còn hàng ngoại nữa mà là hàng chính hiệu của An Thới Đông. Đồng thời, giáo xứ vẫn giữ được tính lành mạnh của sự chất phác, được thể hiện rõ nét nhất nơi các em thiếu nhi.
Với một chi tiết tưởng chừng “nhỏ nhặt” ấy, Đức Hồng y đã đọc ra được sự phát triển đời sống đức tin nơi vùng đất truyền giáo này. Đồng thời, từ điểm “nhỏ nhặt” ấy, ngài kêu gọi mọi người cùng liên kết, cộng tác với nhau để xây dựng gia đình giáo xứ trên nền tảng “Đạo Yêu Thương”.
Sau khi dùng cơm trưa thân mật tại giáo xứ An Thới Đông, Đức Hồng y và đoàn lên đường đến thăm giáo điểm Đồng Hòa. Tiếp đoàn là Cha sở Giuse Phạm Cao Thanh Sơn, Dòng Chúa Cứu Thế. Cha Giuse đã chia sẻ với đoàn về tình hình giáo điểm, công việc xây dựng giáo điểm thành địa điểm tĩnh tâm và khu sinh hoạt cho thiếu nhi, giáo lý viên trong Giáo phận.
Rời giáo điểm Đồng Hòa, đoàn lại tiếp tục lên đường đến giáo xứ Cần Giờ, thị trấn Cần Thạnh. Đức Hồng y và đoàn có dịp gặp gỡ và trao đổi với Cha Giuse Phạm Văn Bảo, Dòng Chúa Cứu Thế, chánh xứ Cần Giờ, về những vấn đề của một giáo xứ vùng xa. Được biết, trong năm qua, giáo xứ vừa mừng kỷ niệm 40 năm hiện diện nơi vùng đất này.
Nhân dịp đến giáo xứ Cần Giờ, đoàn cũng đã ghé thăm Trường chuyên biệt Cần Thạnh. Trước kia, để tạo công ăn việc làm cho bà con, cơ sở này còn là nơi sản xuất nước mắm, nay do hoàn cảnh nên phải tạm ngưng. Tới đây, Đức Hồng y và phái đoàn được Cha Gioan Baotixita Nguyễn Thanh Bích, Giám đốc Tập viện Dòng Chúa Cứu Thế ân cần tiếp đón.
Trên đường về, đoàn ghé thăm giáo điểm An Nghĩa, một giáo điểm còn hoang sơ và nhiều khó khăn về mọi mặt. Giáo điểm được đặt dưới sự trông coi của Cha Giuse Nguyễn Bá Long, Dòng Chúa Cứu Thế. Trước đây, năm 1999, giáo điểm An Nghĩa là trung tâm dạy nghề. Sau này, để đáp ứng nhu cầu mục vụ của bà con giáo dân quanh vùng, năm 2011, giáo điểm mới bắt đầu có những sinh hoạt tôn giáo. Hiện nay, tại đây chỉ mới có 20 gia đình Công giáo.
Trong suốt chuyến đi, điều mà Đức Hồng y luôn nhắn gửi đến các linh mục ở các giáo xứ, giáo điểm vùng xa của hạt Xóm Chiếu là: Phải đổi mới bản thân, tu thân, chỉnh đốn đời sống và động viên giáo dân cầu nguyện, đọc kinh tại gia đình. Với cách nói hóm hỉnh, Đức Hồng y khuyên các cha: “Đừng chỉ bàn những chuyện trên trời, nhưng còn phải biết quan tâm đến những chuyện dưới đất”. Theo Đức Hồng y thì những chuyện dưới đất ấy là: Phải biết quan tâm đến cuộc sống của những người dân nghèo nơi đây, tạo điều kiện giúp họ nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa và y tế.
Hình ảnh Đức Hồng y luôn tươi cười trong suốt chuyến viếng thăm mục vụ làm cho nhiều người xúc động, cảm kích. Với sức khỏe của một người lớn tuổi như ngài thì việc lặn lội đến các giáo điểm vùng xa để thăm viếng con cái, quả thật là một sự cố gắng, hy sinh. Điều đó thể hiện sự quan tâm của một vị mục tử nhân hiền dành cho đàn chiên trong gia đình Giáo phận.
Những tia nắng mặt trời đang tắt dần trên bến phà Bình Khánh. Một ngày “xuất hành” của Đức Hồng y và phái đoàn TGM trên “cánh đồng truyền giáo” ở vùng “nước mặn, phèn chua” đã khép lại với cảm nghiệm riêng của từng người, với bao trăn trở, băn khoăn về “quà tặng” mà Chúa trao ban trong ngày hôm nay. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con cùng nhau “mở lòng, mở trí để đón nhận món quà Chúa tặng ban”.

CHÚA NÓI VỚI TÔI- THỨ TƯ 22/08/12- ĐỨC MARIA NỮ VƯƠNG

Lời đáp trả

Đức Maria Nữ Vương

           Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói (Lc 1,38)

Suy niệm: 
Vai chính trong tường thuật này là Đức Maria, được Thánh Luca mô tả với những nét như sau:
- Một thiếu nữ bề ngoài bình thường như mọi thiếu nữ khác (câu 27)
- Nhưng đặc biệt hơn mọi thiếu nữ vì “đầy ơn sủng” và được “Đức Chúa ở cùng” (câu 28)
- Được Thiên Chúa chọn làm mẹ Đấng Messia Con Thiên Chúa (cc 30-33)
- Dù không hiểu rõ (câu 34), Maria vẫn sẵn sàng cho Chúa dùng mình để làm công việc của Chúa (câu 38 : Fiat = “Xin Chúa cứ làm nơi tôi...”).

Đức Maria hỏi “Việc ấy xảy ra cách nào được”. Thiên sứ đáp “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (câu 37). Rất nhiều điều con người tưởng không thể nào làm được thế mà Thiên Chúa vẫn làm được: Ngài đã làm cho Êlisabét son sẻ được có con, đã làm cho Đức Maria đồng trinh sinh ra Đấng Cứu Thế. Thiên Chúa cũng có thể làm nơi mỗi người chúng ta những việc trọng đại, miễn là chúng ta sẵn sàng để Ngài hoạt động trong chúng ta.
Mặc dù “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, nhưng thường Thiên Chúa không làm một mình, Ngài thích có sự hợp tác của con người. Để cho Đấng Cứu Thế nhập thể, Thiên Chúa đã nhờ Đức Maria hợp tác. Và Đức Maria đã hợp tác bằng cách ngoan ngoãn để cho ơn Chúa hành động trong mình và qua mình: “Xin cứ làm cho tôi...”.
Một thanh niên kia có thói quen ngủ rất say, luôn cần có mẹ gọi mới thức dậy được. Sau khi tốt nghiệp, anh đi làm ở một chỗ xa nhà. Mẹ anh mua cho anh một chiếc đồng hồ báo thức. Ngày đầu tiên anh quên vặn đồng hồ trước khi ngủ nên đến sở làm trễ. Ngày thứ hai, anh nhớ vặn đồng hồ, nhưng sáng sớm khi nó reo thì anh đưa tay tắt bỏ, nên lại đi làm trễ. Và anh bị đuổi việc. Khi anh trở về gia đình, mẹ anh hỏi về chiếc đồng hồ. Anh đáp:
- Chiếc đồng hồ đó hoàn toàn vô dụng đối với con.
- Nó vô dụng là vì con không chịu dùng nó. Mẹ anh đáp.

Bao nhiêu ơn Chúa ban cho ta cũng đều vô dụng nếu ta không xử dụng đến.
“Sứ thần vào nhà Trinh nữ và nói: Mừng vui lên hỡi đấng đầy ân sủng. Đức Chúa ở cùng Bà. Nghe lời chào ấy, Bà rất bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” (Lc 1,28-29)
Đứng trước một biến cố trọng đại, bất ngờ, Mẹ đã bối rối. Sự bối rối ấy không đến từ sự hoang mang nghi ngờ như trường hợp ông Dacaria, nhưng đến từ sự băn khoăn muốn tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa.
Phần tôi, đứng trước những khó khăn xảy đến trong cuộc sống thì hầu như chỉ biết than vãn, kêu trách Chúa mà không thử tìm xem Chúa muốn nói gì với tôi qua những biến cố ấy. Chúa vẫn đi ngang qua đời tôi nhưng tôi đã không gặp được Ngài. Chúa đứng ngoài và gõ cửa nhà tôi nhưng tôi đã không nghe được tiếng Ngài. Lòng tôi vẫn khép kín!
Cầu nguyện: 
Mẹ Maria đã để cho Chúa thực hiện những điều kỳ diệu trên cuộc đời của Mẹ dù Mẹ ý thức mình chẳng là gì trước Thiên Chúa. Lạy Chúa, con vẫn biết Chúa chỉ thực hiện điều Ngài muốn cho con nếu con thực sự đón nhận với lòng tin yêu, phó thác, khiêm tốn để cho Ngài thực hiện. Xin cho con biết nỗ lực cộng tác vào ơn ban của Chúa, vào chương trình cứu độ của Chúa. Để ý Chúa được thể hiện, danh Chúa được hiển vinh.
Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố của cuộc sống, và biết xin vâng như Mẹ.

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Thứ Ba tuần XX thường niên- 21/08/12

Đường đến sự sống đời đời


Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội… (Mt 19,29)

Suy niệm: 
“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào được Nước trời”: Của cải vật chất tuy rất hữu ích cho sự sống đời này, nhưng hoàn toàn vô ích cho sự sống đời đời, có thể còn là một cản trở rất lớn.
“Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”: Hãy trình bày với Chúa điều gì hiện ta không thể làm được, và xin Chúa giúp ta làm điều đó.
“Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Mt 19,29).
Abraham, tổ phụ chúng ta, đã vâng lời Thiên Chúa. Ông đã đem Isaac-con trai độc nhất của mình mà tế lễ cho Ngài. Còn gì đau khổ hơn bằng chính người cha phải đem giết con trai mình bằng bất cứ lý do gì. Thế nhưng, Abraham đã làm điều đó. Ông đã hy sinh cái quý giá nhất của mình cho Thiên Chúa. Thiên Chúa đã thấu hiểu lòng trung thành của ông và Ngài đã ban cho ông không những một người con mà cả một dòng dõi đông đúc.
Để tỏ lòng trung thành với Chúa, Abraham đã dâng Isaac; Còn chúng con, chúng con đã hy sinh được gì? Xin Chúa giúp sức cho chúng con để chúng con biết trung thành với Chúa, và sống hy sinh vì Chúa.
Của cải tự nó không cản trở người ta vào Nước Trời, nhưng thái độ ham mê của cải cản trở người ta yêu mến Thiên Chúa. Cần phải có tinh thần sẵn sàng từ bỏ mọi của cải, mọi đam mê, để được tự do nghe tiếng Chúa dạy dỗ trong tâm hồn. Thái độ từ bỏ của cải và đam mê, không nhất thiết bắt người ta trở thành nghèo mạt, bởi vì từ bỏ mọi sự vì Chúa và vì Tin Mừng, chẳng những không làm người ta bị thiệt thòi, mà còn mở rộng tương giao xã hội của họ, vì họ sẽ được đại gia đình nhân loại, và rồi với những thử thách đã vượt qua, họ sẽ được hưởng sự sống đời đời.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, Chúa đã sống nghèo để dạy chúng con biết thanh thoát với của cải trần gian. Của cải trần gian mang lại cho con người niềm vui chốc lát, nhưng có thể giam hãm con người trong tham lam ích kỷ, trong lo âu sợ hãi, khiến mất bình an và hạnh phúc trong cuộc sống. Xin Chúa kiện toàn nơi chúng con những gì Ngài đã khởi sự, và cho chúng con đạt tới lý tưởng là sống theo Chúa, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống đời đời.

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Tha thứ

Thứ Năm tuần XIX thường niên
Lời Chúa: 
Mt 18,21_19,1
21Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? " 22Đức Giêsu đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy." 23Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. 24Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. 25Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. 26Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết." 27Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. 28Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: "Trả nợ cho tao!" 29Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh." 30Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. 31Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. 32Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, 33thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? " 34Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. 35Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình."
1Khi Đức Giêsu giảng dạy những điều ấy xong, Người rời khỏi miền Galilê và đi đến miền Giuđê, bên kia sông Giođan.
Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy (Mt 18,22)
Suy niệm: 
Một đôi vợ chồng nọ đưa nhau ra tòa xin ly dị. Vị luật sư biện hộ cho quan tòa biết: đôi vợ chồng này sống hoàn toàn yên lặng với nhau suốt 12 năm liên tiếp. Họ cũng không muốn gặp nhau nữa, nếu cần cho nhau biết điều gì, thì họ chỉ cần viết vào một mảnh giấy để sẵn trên bàn cho người kia đọc. Đôi vợ chồng này trước đây đã sống hạnh phúc với nhau trong vòng 18 năm, đã nuôi nấng con cái khôn lớn, nhưng rồi không rõ lý do gì, hai người đã không thèm nói chuyện với nhau, và giờ đây họ không còn nhớ đã giận nhau vì lý do gì.
Những hờn giận, phiền muộn xảy ra trong sinh hoạt hằng ngày, nếu không được nghiêm chỉnh giải quyết, vượt qua, thì sẽ dễ dàng chồng chất làm thành bức tường ngăn cách giữa cha mẹ với nhau, hay giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em trong gia đình, hay giữa bạn bè thân thích. Những tâm tình phiền muộn tiêu cực mỗi ngày một ít cũng đủ ảnh hưởng đến cả cuộc sống, làm chúng ta không còn vui sống và bình an nữa.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải tha thứ và tha thứ luôn luôn. Nhưng tại sao phải tha thứ? Vì tha thứ là một điều cần thiết trong đời sống xã hội, trong gia đình, trong các đoàn thể; vì tha thứ là đặc điểm của tình yêu: trong tình yêu Chúa, chúng ta tha thứ cho nhau như Ngài đã tha thứ cho chúng ta. Tha thứ như thế không phải là yếu nhược, mà là sức mạnh của tình yêu, là khí cụ của hòa bình. Cuộc đời là một cuộc hành trình, nếu chúng ta cứ để mình mang gánh ưu tư, phiền muộn thì làm sao có đủ sức để đạt tới đích được. Do đó chúng ta hãy luôn sống tha thứ để tâm hồn chúng ta được nhẹ nhàng thanh thoát trên đường đời với niềm hy vọng và an vui.
Một nhà tâm lý người Mỹ đã đưa ra nhận định như sau: Trên bình diện nhân bản, nếu suy nghĩ cho cùng, thì tha thứ là giải pháp tốt nhất cho người tha thứ và kẻ được tha thứ; sự tha thứ khai mở năng lực tinh thần con người và có tác dụng làm cho con người sống lành mạnh vui tươi hơn. Trên bình diện thiêng liêng, sự tha thứ có giá trị thật tích cực, chứng tỏ tình thương làm phát sinh nguồn an ủi trong tâm hồn; nếu chúng ta không thật lòng tha thứ cho nhau, thì Cha trên trời cũng không tha thứ cho chúng ta.
Xin Chúa cho chúng ta luôn biết tha thứ cho những ai xúc phạm đến chúng ta, và như vậy chúng ta trở thành khí cụ đem niềm vui đến cho mọi người.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tha thứ cho người đàn bà ngoại tình, cho thánh Phêrô, và Chúa cũng đã từng tha thứ cho bao kẻ xúc phạm đến Chúa. Trên cây thập giá, Chúa đã cầu nguyện cho họ: “Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Chúa cũng đã từng tha thứ cho chúng con. Thế nhưng chúng con lại quá khó khăn khi phải tha thứ. Chúng con dễ kết án nhưng lại rất khó bao dung. Chúng con dễ gây thù hận nhưng lại khó khi làm hoà. Xin tha thứ vì những lần chúng con đã có thái độ bất khoan dung với anh em. Xin cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu Chúa dành cho mình, để chúng con luôn biết cư xử khoan dung với người khác.
Lạy Chúa là Đấng chậm bất bình và rất mực khoan dung, xin giúp chúng con sống như Chúa để chúng con cũng sẵn lòng yêu thương và tha thứ cho nhau. Amen

Chứng nhân từ Đại hội Gia đình Thế giới lần VII
Bài: Hồng Tuyến & Ảnh: Phạm Hân
T7, 18/08/2012 - 11:18

WGPSG -- Ngày 03/06/2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã kết thúc bài giảng Thánh lễ bế mạc Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ VII như sau: “Gia đình, công việc, ngày lễ: ba quà tặng của Thiên Chúa, ba chiều kích của cuộc sống chúng ta phải được diễn ra trong sự quân bình hòa điệu. Kết hợp hài hòa công việc với những đòi hỏi của gia đình, đời sống nghề nghiệp với chức năng làm mẹ, lao động và mừng lễ, là điều quan trọng để xây dựng một xã hội có dung mạo con người”.
Vâng! Đây không chỉ đơn thuần là lời huấn từ của Đức Thánh Cha nhưng còn là chủ đề của Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ VII, được tổ chức tại Milano từ ngày 30/05/2012 đến 03/06/2012.
Để thể hiện sự hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ và giúp các gia đình trong giáo phận hiểu rõ hơn ý nghĩa của Đại hội Gia đình Thế giới, ngày16/08/2012, tại Hội trường ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, thuộc Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận (TGP) Sài gòn, Ban Mục vụ Gia đình TGP Sài gòn đã tổ chức Chương trình Chia sẻ về Đại hội Gia đình Thế giới.
Đến tham dự chương trình có Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục TGP Sài gòn, Cha Tổng Đại diện Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh, Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Mục vụ Gia đình TGP, Cha Bênêđictô Bùi Đức Hiền,Trưởng ban Mục vụ Gia đình Giáo phận Long Xuyên, Cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng, Tổng Giám đốc Caritas TGP, Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, OP, Trưởng ban chương trình Chuyên đề Giáo dục TGP.
Ngoài ra, còn có sự hiện diện của quý tu sĩ cùng các hội đoàn trong Giáo phận: Gia đình Cùng theo Chúa, Gia đình Khôi Bình, Gia đình Naza, Chương trình Thăng tiến hôn nhân gia đình, Hội đoàn Legio Maria, Hội đoàn Các bà mẹ Công giáo, gia đình Phạt tạ Thánh Tâm và các gia đình trong Giáo phận.
Giới thiệu Đại hội Gia đình Thế giới
Chương trình đã thực sự “nóng lên” trong phần khởi động bởi cử điệu và bài hát “Ba ngọn nến lung linh” của nhạc sĩ Ngọc Lễ. Tiếp theo là phần giới thiêu thành phần tham dự và cầu nguyện khai mạc. Trong phần giới thiệu tổng quát Đại hội Gia đình Thế giới, Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: “Cao đỉnh của tuần lễ Hội ngộ các gia đình là cuộc chia sẻ chứng từ của các gia đình tiêu biểu đến từ các Châu lục cùng với sự hiện diện của Đức Thánh Cha. Việt Nam hân hạnh có một đại diện và gia đình đại diện ấy cũng đang có mặt để chia sẻ trong chương trỉnh hôm nay… Đỉnh cao của chương trình hôm nay là phần chia sẻ về những gì đã cảm nghiệm được từ Milano, nhưng đỉnh cao không có nghĩa là điểm cuối cùng mà là điểm khởi đầu. Bởi thế, sau Đại hội Gia đình Thế giới, thời gian này là thời gian mà tất cả các gia đình tiếp tục sống chủ đề của Đại hội: Gia đình, Công việc và Ngày lễ…”
Những chứng nhân trở về từ Đại hội Gia đình Thế giới 
• Gia đình: Hồng ân Thiên Chúa ban cho con người;
• Làm việc: Hồng ân, nghĩa vụ và quyền lợi;
• Sống ý nghĩa ngày của Chúa.
Ba đề tài trên đã được các thuyết trình viên: Ông Gioan Phêrô Tạ Đình Vui, Ông Antôn Uông Đại Bằng và Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế lần lượt trình bày. Điều đáng nói là các thuyết trình viên cũng chính là các đại biểu vừa tham dự Đại hội Gia đình Thế giới 2012. Vì thế, họ đã chia sẻ cho mọi người “những điều mắt thấy tai nghe” và cả những cảm nghiệm sâu xa từ Đại hội.
Mỗi đề tài đều mang một sắc thái riêng, và được trình bày với những phương pháp khác nhau. Thế nhưng, cả ba đề tài chia sẻ đều nhắm tới việc triển khai chủ đề Đại hội và giúp mọi người hiểu hơn ý nghĩa của Đại hội.
Bên cạnh đó, các bài chia sẻ đã cùng nêu lên các vấn nạn và thách đố cho đời sống gia đình trước những cơn khủng hoảng hiện nay. Đồng thời, đưa ra một số phương thế hữu hiệu để giải quyết những vấn nạn ấy. Và một trong những phương thế quan trọng nhất chính là cầu nguyện và sống Lời Chúa.
Để làm cho chương trình thêm sinh động, Ban Tổ chức đã có các tiết mục văn nghệ xen kẽ các bài thuyết trình. Nếu bài múa cộng đồng “Chung sống” giúp cho mọi người ý thức được trách nhiệm của mỗi thành viên trong đời sống gia đình thì tiết mục nhạc cảnh “Xin lỗi con” của nhóm múa Rồng Việt lại để lại bao cảm xúc cho nhiều người. Thông điệp quan trọng mà nhạc cảnh gửi tới cộng đoàn là: “Không phải tiền bạc, vật chất nhưng sự quan tâm và tình thương của cha mẹ mới là điều cần thiết trong việc nuôi dạy con cái”.
Và thông điệp quan trọng ấy lại được minh chứng rõ nét hơn với sự xuất hiện trên sân khấu gia đình Anh Gioan Baotixita Cao Hải Đăng, Chị Maria Lê Thị Vân Thảo cùng 2 con nhỏ Maria Cao Thiên Cát Tiên và Cao Thiên Bình. Đây chính là gia đình Việt Nam được diện kiến Đức Thánh Cha trong chương trình chia sẻ chứng từ của các gia đình đến từ các Châu lục trong Đại hội Gia đình Thế giới vừa qua.
Được biết, hôm đó bé Cát Tiên là người mở đầu lễ hội và là người duy nhất đặt câu hỏi với Đức Giáo hoàng mà không cần đọc giấy. Sau khi giới thiệu với Đức Giáo hoàng gia đình mình, bé đã hỏi ngài: “Con rất muốn biết về gia đình Đức Giáo hoàng và khi Cha còn bé như con?”
Trong bầu khí thân thương, mọi người đã cùng xem đoạn vidéo ghi lại hình ảnh và câu trả lời của Đức Giáo hoàng. Vâng! Đó không chỉ là câu trả lời dành cho bé Cát Tiên mà còn là một bài học ý nghĩa và sống động minh họa cho chủ đề Đại hội.

 Huấn từ của Đức Hồng Y và đúc kết chương trình
Sau khi nghe phần trình bày của các chứng nhân từ Đại hội Gia đình Thế giới, cùng với những trải nghiệm của chính mình, Đức Hồng y đã chia sẻ với cộng đoàn những ý sau:
Trong khi chuẩn bị cho năm Đức Tin sắp tới, Đức Hồng y cảm nhận được rằng, gần 500 năm qua, Chúa đã thương gieo mầm Đức tin trên quê hương Việt Nam. Nhờ công sức của bao vị thừa sai và sự hi sinh của các anh hùng tử đạo, cùng với sự vun trồng của các gia đình tín hữu mà hạt mầm Đức tin đã lớn lên và ngày càng sinh hoa kết trái. Dù khó khăn, gia đình vẫn luôn cộng tác với Giáo hội trong việc bảo vệ Đức tin.
Ngày nay, đứng trước những trào lưu của xã hội cùng với những luật lệ hôn nhân bị biến thể thì đời sống gia đình đang bị đe dọa nặng nề. Khi phải đối diện với những vấn nạn ấy, theo Đức Hồng y, bí quyết để giúp con em chúng ta sống và giữ vững niềm tin là:
- Cầu nguyện trong gia đình cộng với sự hy sinh sẽ là dòng nước tươi mát để làm cho hạt giống Đức tin được sinh sôi nảy nở.
- Sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các đoàn thể cũng sẽ là một yếu tố quyết định cho việc giữ vững niềm tin của các gia đình Công giáo.
Để đúc kết chương trình, Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn đã gợi ra cho mọi người những câu hỏi sau:
1. Anh chị em nhớ gì về chủ đề Đại hội sau buổi sáng hôm nay?
2. Qua các bài chia sẻ, anh chị em tâm đắc nhất điều gì và có sáng kiến gì để gia đình và cộng đoàn sống tốt hơn?
3. Các gia đình Công giáo cần liên đới với nhau như thế nào để có thể trả lời cho thế giới về vấn nạn đời sống hôn nhân gia đình? Chúng ta có thái độ nào nếu luật hôn nhân đồng tính được xã hội công nhận?
Những câu hỏi mà Cha Trưởng ban Mục vụ Gia đình TGP đặt ra đã khép lại Chương trình chia sẻ Đại hội Gia đình Thế giới, nhưng lại mở ra bao thao thức, trăn trở. Ước chi cảm nhận của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ chung ngày 06/06/2012 cũng sẽ là suy nghĩ của từng người chúng ta:
“Cuộc hội ngộ Thế giới tại Milano được tỏ ra như một lễ “Hiển Linh” của gia đình, được biểu lộ bằng nhiều cách khác nhau, nhưng cũng duy nhất trong bản chất cốt lõi: đó là một sự hiệp thông trong tình yêu, đặt nền trên hôn nhân, và được kêu gọi trở thành cung thánh của sự sống, giáo hội nhỏ, tế bào của xã hội.
Từ Milano, một sứ điệp hy vọng được gửi đến toàn thế giới, được nuôi dưỡng với những kinh nghiệm sống: cho dù đòi hỏi nhiều, vẫn có thể sống một tình yêu trung thành, “mãi mãi”, mở ra cho sự sống, và sống cách vui vẻ. Người ta có thể tham gia, như một gia đình, vào sứ mạng của Giáo hội và tham gia vào việc xây dựng xã hội.”

Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI - Thứ Hai tuần XIX thường niên - 13/08/12

Bổn phận nộp thuế


Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu (Mt 17,22)


Nếu ngày xưa, người Do thái có bổn phận nộp thuế cho Đền thờ để lo việc phụng sự nhà Chúa, thì ngày nay trong Giáo hội cũng có những cách đóng góp hay dâng cúng, đó cũng là một việc thờ phượng và là một sự chia sẻ cho những anh em nghèo khó. Chúng ta hãy nhận ra nét đặc biệt trong nhân cách của Chúa, khi hòa nhập vào nếp sống cụ thể của những người đồng thời với Ngài. Qua mầu nhiệm nhập thể, Chúa đã chia sẻ trọn vẹn đời sống con người. Ước gì chúng ta cũng biết noi gương Chúa, chấp nhận như hạt lúa mì rơi xuống đất và chết đi để trổ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp.

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là hạt lúa đã gieo vào trần gian. Chúa gieo yêu thương. Chúa gieo hạnh phúc. Chúa đã làm cho hoa yêu thương và hạnh phúc đến với mọi người qua đời sống tận hiến hy sinh của Chúa. Xin dạy chúng con biết yêu thương anh em như chính Chúa đã nêu gương cho chúng con. Xin cho chúng con biết tìm kiếm và xây dựng giá trị Nước Trời trong những bổn phận hằng ngày và trong những nghĩa cử yêu thương nhỏ bé của chúng con dành cho tha nhân, vì chưng nên thánh là chu toàn bổn phận hằng ngày. Amen

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI - Thứ Năm tuần XVIII thường niên - 9/8/12

Vác thập giá theo Chúa


Lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa (Mt 16,23)


Chúa Giêsu đã loan báo về cái chết của Ngài, đồng thời mời gọi các môn đệ Ngài cũng hãy vác Thập giá của mình để tiến bước theo Ngài. Theo Chúa Giêsu, đó là lời mời gọi cốt yếu của Kitô giáo. Vì sự nghiệp, vì lý tưởng, người ta có thể hy sinh mạng sống của mình. Một người vô tín ngưỡng có thể vì lý tưởng dám hy sinh tất cả cuộc đời của mình; thế nhưng điểm chính yếu của Tin mừng lại là một con người, đó là Chúa Giêsu Kitô. Đời sống Kitô giáo chỉ có thể là đời sống nếu nó được tiếp tục nuôi dưỡng bởi con người Chúa Kitô như là nguồn mạch của sự sống.
Chúng ta ghi dấu thánh giá trên người chúng ta, chúng ta mang thánh giá trên người chúng ta, đó không là dấu hiệu của sự chết, nhưng là biểu dương sức sống của Đấng đã chết, đã phục sinh và đang tác động trong chúng ta. Nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà chính là Chúa Kitô sống trong tôi”. Chúa Kitô sống trong chúng ta để tiếp tục và hoàn tất công trình cứu rỗi của Ngài. Chúa Kitô đã vác Thập giá và đã chết một lần, cuộc tử nạn ấy cần phải được tiếp tục qua các Kitô hữu. Cũng chính thánh Phaolô đã nói: “Tôi cần phải bổ khuyết những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Chúa Kitô”.
Thập giá đang được vẽ lại dưới muôn nghìn hình thức. Chúa Kitô đang tiếp tục vác lấy Thập giá với những người đang bị giam giữ một cách bất công, những người bị tước đoạt quyền sống, những người bị tra tấn và hành hạ. Chúa Kitô đang tiếp tục cuộc tử nạn của Ngài qua con người chúng ta. Người Kitô hữu chịu gian khó thử thách vì ý thức rằng Chúa Kitô đang sống trong chúng ta.
Xin cho Lời Chúa và sức sống của Chúa nâng đỡ chúng ta, để giữa những đau khổ, thử thách của cuộc sống hiện tại, chúng ta luôn kiên vững và an vui.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, thánh Phêrô hôm nay đã tuyên xưng Chúa là Đấng hằng sống, dù rằng ngày mai ông lại chối Chúa đến ba lần. Chúa biết Phêrô sẽ gục ngã trước nghi nan mặc dù lòng ông không muốn thế. Chúa nhìn thấu suốt tâm can. Chúa biết tấm lòng chân thật của thánh nhân. Xin Chúa cũng nhìn đến lòng thành của chúng con. Chúng con vẫn tuyên xưng mình là người Kitô giáo nhưng lại không sống điều chúng con tin. Chúa bảo chúng con yêu người nhưng chúng con vẫn còn ghét bỏ nhau. Chúa bảo chúng sống công bình nhưng chúng con vẫn để cho những danh lợi thú làm chủ con người chúng con. Chúa muốn chúng con vác thập giá mà theo Chúa nhưng chúng con lại sợ khó. Lạy Chúa, xin nâng đỡ đức tin còn yếu kém của chúng con để dù giữa những đau khổ, thử thách của cuộc sống, chúng con luôn kiên vững và an vui trong bổn phận của mình.Amen

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Thứ Tư tuần XVIII thường niên -08/08/12

Đức tin vững mạnh


Đức Giêsu đáp: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy (Mt 15,28)

. Hình ảnh về người đàn bà dân ngoại  giúp tôi suy nghĩ lại niềm tin của chính bản thân mình. Tôi đang tin vào ai hay tin vào cái gì?
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, Chúa thử thách con để lòng tin của con mạnh mẽ hơn. Với lòng tin mạnh mẽ, con mới có thể làm được mọi điều thiện hảo. Xin củng cố niềm tin của con, xin thêm sức để con biết sống niềm tin ấy ở giữa lòng đời hôm nay.

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI -Thứ Ba tuần XVIII thường niên - 07/08/2012

Giáo dục đức tin


Thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: "Thưa Ngài, xin cứu con với” 

(Mt 14,30)

Suy niệm: 
1. Tin Mừng Gioan cho biết thêm là sau khi hóa bánh ra nhiều, dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu lên làm vua. Chúa Giêsu không muốn các môn đệ mình lây nhiễm các quan niệm về Đấng Messia lệch lạc ấy nên buộc họ vội vàng rời khỏi nơi đó.
Chúa Kitô không muốn người ta coi Chúa như một Đấng ban cơm bánh. Chúa không muốn người ta đến với Ngài chỉ để xin những ơn vật chất.
2. “Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ”:
Xin cho con luôn có Chúa ở bên con.
Xin cho con luôn vững tin vào Chúa.
Xin cho con biết nương tựa vào Chúa trong những lúc khó khăn và nguy hiểm.
3. Chúng ta hãy quan sát Chúa Giêsu giáo dục đức tin cho Thánh Phêrô và các tông đồ: Ban đầu Ngài để cho các tông đồ bị bão biển đe dọa cũng như Phêrô bị chìm xuống. Khi các ông sợ, các ông nghĩ tới Chúa. Cuối cùng Ngài ra tay cứu giúp, kết quả là các ông tin vào Ngài “Thật, Thầy là con Thiên Chúa.”
Nhiều khi xem ra Chúa bỏ mặc chúng ta trong những hoàn cảnh khó khăn. Nhưng đó chính là cách Chúa giáo dục đức tin cho chúng ta. Do đó đừng hoảng sợ cũng đừng nản lòng. Hãy kêu lên Chúa như Phêrô xưa: “Lạy Thầy, xin cứu con.”
4. Có một bà nổi tiếng là đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hy vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà hỏi:
Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao?

Ồ không, tôi không phải là người có một đức tin lớn lao, mà chỉ là người có một đức tin nhỏ bé đặt vào một Thiên Chúa lớn lao.
5. “Sau khi giải tán đám đông, Người lên núi và cầu nguyện, chiều đến Ngài vẫn ở đó một mình” (Mt 14,23).
Con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện, không có giờ đi vào sa mạc để ở bên Chúa và trò chuyện với Chúa. Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con, chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu là con có thể tạo ra sa mạc. Mỗi ngày con có biết bao nhiêu giây phút có thể gặp Chúa mà con đã bỏ mất. Khi chờ một người bạn, chờ đèn xanh ở ngã tư, chờ điện thoại trả lời, chờ món hàng đang được gói. Khi lên cầu thang, khi đến nơi làm việc, khi bị kẹt xe, khi cúp điện bất ngờ, thay vì bực bội nóng ruột con lại cảm thấy mình sống an bình trong sự hiện diện của Chúa.
5. Chúa liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi” (Mt 14,31).
Trong cuộc sống Kitô hữu, Đức tin là điều quan trọng. Chúng ta vẫn tin có Chúa, vẫn đi lễ, vẫn rước lễ hằng ngày, làm việc thiện, việc bác ái giúp đỡ người khác; nhưng đôi lúc, chúng ta đã làm những việc đó như một người máy hay theo một thói quen.

Do đó, thật là tồi tệ khi ta gặp phải rủi ro hay thất bại nào… Vì ta đã đối phó bằng cách để Chúa qua một bên, bỏ hết mọi việc từng làm. Dần dần ta không còn giữ được đức tin và lúc này tâm trạng của ta rất giống tâm trạng của Thánh Phêrô khi được Chúa cho đi trên mặt biển. Mỗi người chúng ta thử nhìn xem mình sống đạo ra sao, mình đã thực sự có đức tin chưa? Hay chúng ta tin vì thấy bạn bè mình tin, không tin không được. Hay ta chỉ tin vì được sinh ra trong một gia đình Công giáo…
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày giúp con tỉnh thức để nhạy cảm với Chúa. Xin cho con yêu mến Chúa hơn, để tìm ra những sa mạc mới và vui vẻ bước vào.
Lạy Chúa, con thật sự là kẻ yếu lòng tin, vì khi gặp thất bại, rủi ro, con dễ bị lung lạc. Xin Ngài hãy đến với con khi con phải đối diện với sóng gió cuộc đời.

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI - Thứ Sáu tuần XVII thường niên- 03/08/2012

Tâm thức thời đại

Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin (Mt 13,58)


Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu sâu xa khi Chúa chia sẻ thân phận khốn cùng của chúng con. Ngày nay, Chúa vẫn còn hiện diện trong những anh em bé mọn nhất. Xin cho chúng con biết đón nhận Chúa qua những người anh em đó; xin đừng vì dáng vẻ bên ngoài quá tầm thường khiến chúng con xúc phạm làm buồn lòng Chúa. Amen.