Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI-Thứ Tư tuần XXX thường niên - 31/10/12

Hãy qua cửa hẹp



“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào...” (Lc 13,24)

Suy niệm: 
Câu hỏi mà một người vô danh đặt ra cho Chúa Giêsu đang khi Ngài trên đường lên Giêrusalem, đó cũng là câu hỏi thông thường nơi các trường phái của các vị thông luật thời Chúa Giêsu, và là câu hỏi như muốn giới hạn số lượng những người vào Nước Chúa: "Thưa Thầy, phải chăng ít người được cứu thoát?" Trong câu trả lời, Chúa Giêsu không nhằm đến số lượng nhưng là hướng tới một bình diện khác, tức là phẩm chất của những kẻ muốn vào Nước Chúa: họ phải qua cửa hẹp và cố gắng vào đúng lúc, khi còn thời giờ thuận tiện, đừng cậy dựa vào những liên hệ hời hợt bên ngoài với Chúa. Ơn cứu rỗi được Thiên Chúa trao ban cho mọi người: những kẻ trong dân Chúa chọn và cả những kẻ ở ngoài, bởi vì Chúa Giêsu đã đến để dẹp bỏ mọi hàng rào ngăn cách, thiên hạ sẽ từ đông, tây, nam, bắc đến dự tiệc trong Nước Chúa.
Ðặc tính phổ quát của ơn cứu rỗi không được hiểu theo phạm trù số lượng, nghĩa là không phải mọi người tự động đều được cứu rỗi. Sự cộng tác từ phía con người là điều cần thiết. "Hãy vào qua cửa hẹp", hẹp, vì nó đòi con người phải từ bỏ nhiều. Hình ảnh cậu bé Charlie trong phim hoạt hình, đứng trước cửa, ôm trên người rất nhiều thứ; cậu muốn bước ra ngoài chơi với bạn bè, nhưng lại không muốn bỏ những thứ đang chồng chất trên người mình; cậu bé bực tức nói lớn: "Làm sao tôi có thể bước qua cửa này được?". Nhiều người Kitô hữu chúng ta cũng có thể hành xử như vậy: vừa muốn vào Nước Chúa, vừa muốn giữ lấy mọi thứ không phù hợp với Nước Chúa; muốn vào Nước Chúa, nhưng lại không thực hành giáo huấn của Ngài, không canh tân đời sống của mình.
Con đường tiến về quê trời đòi hỏi chúng ta lựa chọn đi qua cửa hẹp, đó chính là điều Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, như chính Ngài đã lựa chọn con đường của Thập Giá.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã ban ơn cứu rỗi cho mọi người. Xin cho chúng ta biết từ bỏ những gì không cần thiết, nhất là những gì mất lòng Chúa, để chúng ta có thể bước qua cửa hẹp trở về Nhà Chúa.
Cầu nguyện: 
Lạy Cha, xin giải thoát chúng con khỏi sức nặng đang đè nén chúng con. Chúng con không thể đón nhận Ơn Cứu Ðộ, nếu chúng con không sớm biến đổi. Nếu chúng con không cảnh tỉnh, chúng con sẽ phải tủi nhục biết bao khi các gái điếm, kẻ trộm, dân ngoại,... vào nước Cha, còn chúng con bị đuổi ra ngoài mà vào nơi bất hạnh đời đời. Nhờ sức mạnh của Đức Kitô trên Thập Giá, xin Cha thương nâng đỡ và hướng dẫn chúng con, để chúng con được ơn biến đổi hầu đón nhận ơn cứu rỗi Cha ban.

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI-Thứ Ba tuần XXX thường niên- 30/10/12


Sức mạnh nội tại của nước Chúa
Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men (Lc 13,21)
 

Ngày nay khi nhìn vào Giáo hội đông đảo phồn thịnh đang có mặt khắp nơi với uy tín đáng kể về nhiều mặt, mấy ai lại nghĩ tới cái quá khứ xa xưa khi Hội Thánh mới khởi đầu chỉ là một nhóm nhỏ, nhóm 12 tông đồ. Hội Thánh đã được khởi sự từ một thiểu số người đơn sơ, chất phác thậm chí không một chút uy thế trong xã hội.
Hình ảnh hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình, nó mọc lên và trở thành cây to, chim trời đến nương náu trên cành diễn tả được phần nào việc Nước Thiên Chúa đã trải qua một quá trình tăng trưởng. Sự tăng trưởng này được ví như một lực, một sức mạnh, không tỏ rõ nhưng vẫn đang ngấm ngầm hoạt động mạnh mẽ, khác nào như nắm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột cho tới khi tất cả khối đều dậy men.
Chúa Giêsu và các môn đệ, chính là Giáo hội đã thành hình. Các Ngài là một nhóm tí hon, là một hạt giống. Trong hạt giống này đã có mầm mống của tất cả những gì Hội Thánh sẽ phát triển và lớn lên. Trong dòng lịch sử Hội Thánh, để hướng dẫn đà tăng trưởng mình, Hội Thánh luôn luôn theo định luật trung tín, lòng trung tín đối với điều Chúa Giêsu đã bắt đầu trong Tin Mừng.
Ngày xưa dân Chúa trong Cựu Ước đã từng phải gắn bó với Giavê bằng những lời tuyên xưng bày tỏ thái độ của Giavê hơn các thần minh khác. Họ phải làm việc ấy cách đặc biệt khi gặp khó khăn thử thách. Thì ngày nay Hội Thánh vẫn muốn cho tín hữu thấy rằng nếu như hạt cải không một sớm một chiều trở thành cây to tát mà phải trải qua thời gian đôi khi khắc nghiệt, thì đời sống thiêng liêng cũng đòi kiên trì mới đạt được tầm vóc trưởng thành. Bao lâu ở trần gian này, người ta vẫn phải nuôi hy vọng.
Thánh Phaolô hiểu được như thế, Ngài đã nói với tín hữu Rôma rằng: Tôi nghĩ những đau khổ đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải cho chúng ta. Các tạo vật đã phải tùng phục cảnh hư ảo với hy vọng sẽ được giải thoát khỏi cảnh nô lệ sự hư nát và được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa và như thế sự cứu độ sẽ đến từ niềm cậy trông.
Sau cùng, chúng ta còn khám phá ra điều này: Hội Thánh có một vai trò làm men trong thế gian. Men sẽ hiệu năng nếu nó không bị biến chất hoặc suy giảm. Nó phải tan hòa trong nắm bột, song phải làm cho bột “dậy men” chứ không để bột bóp chết. Hội Thánh trong thế giới, người Kitô hữu trong thế gian sẽ là những chất men nếu họ hoạt động trong môi trường mà không để ngột ngạt vì môi trường.
Sự hiện diện của của Đức Kitô trong Thánh Thể quả thực là một mầu nhiệm có sức biến đổi tâm hồn yếu đuối của chúng ta nên tươi tốt và lớn mạnh.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, giữa cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những phận người đơn côi, sống thiếu vắng tình yêu, vẫn còn đó những phận người đói rách lầm than. Họ đang cần chúng con gieo vào trong tim họ tình yêu thương giữa người với người. Họ đang cần chúng con gieo vào trong cuộc đời họ niềm vui và hạnh phúc, qua những nghĩa cử yêu thương và cảm thông của chúng con. Xin Chúa cho chúng con được tham dự vào sứ mạng của Chúa. Xin cho chúng con được mục nát đời mình qua những hy sinh, những nghĩa cử bác ái thắm đượm tình Chúa tình người. Xin cho chúng con biết ở lại trong Chúa và mang Chúa đến cho mọi người mà chúng con gặp gỡ trong cuộc sống thường ngày. Xin cho chúng con cũng trở nên hạt giống gieo trồng cây yêu thương, cây hạnh phúc vào trong nhân thế.

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI-Thứ Hai tuần XXX thường niên - 29/10/12

Đi bước trước


Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền! (Lc 13,12)

Suy niệm: 
Người ta thường quan niệm để thành công cần phải hội đủ ba điều kiện: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Theo bài Tin Mừng hôm nay, Đức Kitô dường như thiếu hẳn yếu tố: nhân hòa. Phúc âm kể: nhân ngày hưu lễ, Chúa Giêsu đến giảng dạy trong một hội đường. Ở đó có một người đàn bà bị quỉ ám đã 18 năm, bị khòm lưng không đứng lên được Đức Giêsu thấy bà, liền gọi đến và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” Rồi Ngài đặt tay trên bà ấy, tức thì bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa. Điều ấy khiến ông trưởng hội đường tức giận, vì cứ theo như luật, thì trường hợp này đã vi phạm. Ông này có lý không? Và Đức Giêsu xử trí thế nào?
Phục vụ hạnh phúc con người là điều đáng được quan tâm trước hết đối với Chúa Giêsu. Con người có giá trị vượt xa mọi định chế, mọi cơ cấu. Ngài từng phán dạy: ngày hưu lễ vì con người, chứ con người không phải vì ngày hưu lễ. Phép lạ kể lại đây nói rõ lòng nhân từ dịu hiền của Thiên Chúa. Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, đã từng hứng chịu đau khổ của loài người. Người không đợi cho người đàn bà còng lưng, tàn tật cất tiếng kêu xin, nhưng đọc được sự thầm kín ước mong nơi bà; Người chữa bà lành bệnh. Chúng ta thấy lòng thương xót của Chúa Giêsu đối với những người nghèo hèn. Và đây là trường hợp của một người phụ nữ bị còng lưng, nghĩa là bà ta không thể duỗi thẳng cái lưng để có thể đứng thẳng được, để có thể nhìn những người khác trong một tư thế bình đẳng được.
Chúa Giêsu đã thấu hiểu sự đau khổ của bà, đau khổ của một con người luôn luôn cảm thấy thấp bé và thua kém kẻ khác, đau khổ của một con người phải luôn luôn nhìn xuống đất, không bao giờ dám nhìn mặt của những người đối thoại, cũng như hoàn toàn không có khả năng để nhìn lên trời cao. Và Tin Mừng kể tiếp: khi nhìn thấy bà, Chúa Giêsu đã gọi bà lại. Không để người phụ nữ tật nguyền và bất hạnh này kịp đưa ra một lời kêu xin, Chúa Giêsu đã có sáng kiến trước. Ngài gọi bà lại và đặt tay trên cái lưng còng của bà. Và bà đã được khỏi bệnh, bà đã đứng thẳng được. Nghĩa là Chúa Giêsu vừa làm một phép lạ để xua đuổi con ma bệnh đã làm khổ người phụ nữ này suốt 18 năm. Giờ đây bà đã được giải thoát.
Qua phép lạ cứu chữa cho người phụ nữ bị còng lưng này, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ rằng Ngài là Đấng cứu thế. Ngài đến để giải thoát con người khỏi sự thống trị quyền lực của satan, ma quỉ và xác thịt.
Thế là người trưởng hội đường bực mình. Ông thuộc về nhóm người Do Thái đã coi ngày hưu lễ là tuyệt đối. Lúc đó Chúa Giêsu phản ứng lại, tố giác lòng giả hình tồi tệ nhất vì đặt lợi ích vật chất lên trên những giá trị nhân bản.
Bình thường mà xét, vị trưởng hội đường đã hành xử một cách tương đối đúng đắn. Ông bị chi phối bởi sự chấp hành cách khắt khe lề luật. Ông giữ theo hình thức và tuyệt đối đúng luật. Ông không muốn có một vi phạm nào làm cho sự tuân giữ lề luật bị sứt mẻ. Thế còn vấn đề Đức Giêsu là ai? Ngài siêu việt trên lề luật thế nào lại là vấn đề khác. Chúng ta không trách ông trưởng hội đường trong thái độ bảo vệ tính cách duy luật nhưng không vì thế mà coi cách hành xử như vậy là mẫu mực; phải nhìn lên thái độ của Đức Giêsu như là lý tưởng: Chúa đã làm gì trong ngày hưu lễ khi đứng trước một người tàn tật lâu năm?
Sau phản ứng của Chúa Giêsu có một câu hỏi được đặt ra cho chúng ta: đâu là điều ta phải chọn lựa? Ta dành ưu tiên cho cái gì? – Chỉ có câu trả lời của tình yêu mới giải đáp được câu hỏi ấy. Mà tình yêu ấy phải bắt nguồn từ Thiên Chúa và ai muốn đón nhận tình yêu đó phải sống xứng đáng làm con cái Thiên Chúa. Thánh Thần sẽ thực hiện điều này là giải thoát con người. Người phụ nữ 18 năm bị satan cột trói, được Đức Kitô tháo xích xiềng buộc trói trong ngày hưu lễ. Thánh Thần trong mọi thời đại vẫn thực hiện một sự giải phóng những kẻ nô lệ cho xác thịt. Để từ đây những ai sống theo Thánh Thần Thiên Chúa thì là con cái Thiên Chúa, vì không phải chúng ta nhận lãnh tinh thần nô lệ trong sợ hãi, nhưng là trong tinh thần nghĩa tử, trong tinh thần ấy chúng ta kêu Thiên Chúa là Cha, ABBA.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng cái cốt lõi của đạo chính là tình thương. Xin cho những lời kinh, những việc tuân giữ luật lệ của chúng con không chỉ là những cái vỏ hình thức bên ngoài, mà phải dẫn chúng đến những hành động cụ thể của tình yêu. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng sống cho tình yêu là được sống trong Chúa. Amen

CHÚA NÓI VỚI TÔI-Chúa Nhật XXX thường niên B- 28/10/12



Anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi (Mc 10,52)
Suy niệm: 
1. Đức tin: một chọn lựa trước hai ngã đường: ánh sáng hay bóng tối.
Nỗi bi đát nhất của một tù nhân đó là ngày vĩnh viễn bị ném vào ngục tối để không còn được nhìn thấy ánh sáng của ban ngày; và giây phút kinh hoàng nhất của một tên tử tội là phút giây đợi chờ hành quyết để vĩnh biệt ánh sáng cuộc sống dương gian và bị đẩy vào đêm đen của miền âm u sự chết !
Quả thật, Ánh Sáng-Bóng Tối đó là hai đối cực tượng trưng cho hai cuộc sống, hai thế giới, hai lãnh vực hoàn toàn đối nghịch nhau, cách xa nhau, triệt tiêu nhau. Và trong ngữ nghĩa Kinh Thánh, ánh sáng là tượng trưng cho chân lý và sự sống, cho vinh quang Thiên Chúa, cho niềm tin yêu hy vọng, cho ơn cứu độ…Còn bóng Tối là quê hương của lầm lạc, tội lỗi, ma quỷ, gian ác. Nếu Thiên Chúa ngay từ đầu đã dựng nên ánh sáng như thực tại đầu tiên của công trình sáng tạo: “Thiên Chúa phán : hãy có ánh ánh, ánh sáng liền có !” (St 1,3); thì vào chiều Thứ Sáu, đỉnh cao của tội lỗi loài người: khi Con Chúa bị giết chết trên đồi Sọ thì bóng tối đã bao trùm không gian: “Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời tối đi” (Lc 23,44-45). Chính vì thế, các Sứ ngôn không ngần ngại loan báo viễn tượng về một “ngày mai rực sáng của thời đại Thiên Sai” để bỏ lại những ngày “lưu đầy sống kiếp lầm than lầm lũi bước đi trong miền âm u tử địa” (Is 9,1) : “Này Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về, qui tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất. Trong chúng, có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ: tất cả cùng nhau trở về, cả một đại hội đông đảo…” (Gr 31,8). Và khi thời Tân ước đến, Thánh Gioan đã không ngần ngại gọi Đức Kitô là “ánh sáng cho nhân loại, ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối không diệt được ánh sáng…là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1, 3-9), hay cụ thể như cuộc chữa lành của Đức Kitô dành cho anh chàng mù Bartimê mà Tin Mừng Máccô tường thuật hôm nay: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh!”. Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi” (Mc 10, 52)
Đức tin, tiên vàn đó chính là sự chọn lựa đi về hướng của ánh sáng, tiến về quê hương của Thiên Chúa, miền “Đất Hứa” của cuộc tái sinh, là tiến bước trên lộ trình của Đấng là Đường, là Chân lý, là ánh sáng…Rẽ lối khác với con đường này, thụt lùi lại với “củ hành củ tỏi Ai Cập” là dấn bước vào kiếp sống nô lệ tội lỗi, là ở lại trong bóng tối của đui mù lầm lạc.
Nếu có lần nào trong cuộc sống, vì yếu đuối và lầm lạc tôi đã chọn đi trên nẻo đường của bóng tối tội lỗi, của nô lệ đam mê và dục vọng, của ích kỷ hận thù, nhỏ nhen và ghen ghét…thì hôm nay tôi phải quay đầu trở lại, chọn đi trên nẻo đường của ánh sáng, của Tin Mừng, của yêu thương và phục vụ, của bao dung và tha thứ, của khiêm nhu và quảng đại…
2. Để chọn lựa ánh sáng phải “vứt bỏ áo choàng mạnh mẽ đứng lên…”
Ánh sáng có rực sáng bao nhiêu, ban ngày có rạng rỡ thế nào, thì đối với người mang đôi mắt mù, tất cả cũng chỉ là bóng tối. Cũng vậy, Thiên Chúa có toàn năng làm sao, có nhân hậu thế nào, và ơn cứu độ của Ngài có quí giá cần thiết mấy chăng nữa, mà con người không có được “đôi mắt sáng đức tin” thì mãi mãi cũng tự giam hãm cuộc sống trong đui mù lầm lạc. Chính vì thế, điều quan trọng đầu tiên để có được ánh sáng, để nhìn thấy ánh sáng đó chính là biết khát khao cầu nguyện như anh chàng mù Bartimê ngày nào: “Lạy Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. Quả thật, tất cả chúng ta đều cần được chữa lành để có “đôi mắt nhìn thấy được”, tức là đôi mắt của lòng tin, cậy, mến, là đôi mắt của lòng khiêm hạ, sám hối ăn năn, là đôi mắt của trái tim yêu thương quảng đại. Để có được “đôi mắt sáng thiêng liêng” này, ngoài hồng ân nhưng không đến từ Thiên Chúa, chúng ta còn phải gắng sức thanh lọc cái nhìn, gột rửa phán đoán, tẩy trừ thiên kiến, để ánh nhìn về Thiên Chúa và nhìn đến anh em càng ngày càng rõ nét hơn, trong sáng hơn, chính xác hơn. Cũng chính vì mang nặng những chiếc “mặt nạ cồng kềnh”, những “đôi kính đen” của giả hình, kiêu căng, hợm hĩnh, đầy đố kỵ ghen ghét hận thù, mà với bao nhiêu dấu lạ cả thể, như với dấu lạ “người mù từ lúc mới sinh được sáng mắt” trong chuyện kể của Tin mừng Gioan (Ga 9, 28-34), những ông biệt phái vẫn không nhận ra “Đấng Thiên Sai Cứu Thế nơi con người Giêsu Nadarét” để cuối cùng hè nhau đóng đinh Ngài vào thập giá : “Kể cũng lạ thật ! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi”. Trong khi đó, người mù vừa được chữa lành, bằng một đức tin đơn sơ khiêm hạ, lần đầu tiên diện kiến đã “quỳ xuống thân thưa: “Lạy Ngài Con Tin”. (Ga 9,38).
Sống và thể hiện niềm tin, phải chăng đó là biết không ngừng vứt bỏ “chiếc mặt nạ cồng kềnh”, “đôi kính đen tăm tối”, “tấm áo choàng hôi hám cũ mòn” của cái tôi tội lối, biếng lười, gian dối, ích kỷ, ghen ghét, tham lam…và bao nhiêu tính hư tật xấu khác, để mang lấy “đôi mắt mới của Thiên Chúa”, chiếc áo mới của Đức Kitô là niềm tin sống động, đức cậy vững bền, đức ái cụ thể, với cõi lòng sám hối khiêm hạ, với nhiệt tình phục vụ yêu thương, với quyết tâm hy sinh từ bỏ…Hình ảnh anh chàng mù Bartimê “vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà lao đến gần Đức Giêsu” đã minh họa rõ nét thái độ đức tin này.
Vâng, phải mạnh mẽ đứng lên, phải nhanh chân lao về phía trước, phải biết mở lòng ra, phải biết quỳ xuống, phải gặp gỡ Thiên Chúa, phải đối diện với Đức Kitô, phải để Ngài chạm đến. Đó chính là tiếng kèn giục giã của bao mùa phụng vụ, bao ngày Chúa Nhật, của bao “dịp thuận tiện và ngày cứu độ” đã đi ngang qua cuộc đời của mỗi người chúng ta. Mà Thiên Chúa nào ở đâu xa lạ: Ngài có đó trong bí tích Thánh Thể, Ngài có đó, trong cuộc họp mặt cầu kinh của gia đình, Ngài có đó nơi Tòa Giải tội, Ngài có đó, nơi tràng hạt Mân Côi, Ngài có đó nơi những người ăn xin ta gặp hằng ngày, Ngài có đó trong những nghĩa cử hy sinh và chung thủy của vợ chồng, trong vâng lời hiếu thảo của con cái, trong tha thứ khoan dung của bạn bè…Ngài có đó trong những phục vụ âm thầm nhưng chan chứa yêu thương khiêm hạ, những quyết tâm đầy can đảm nói “không” trước những cám dỗ của ươn lười xác thịt…
Tóm lại, cuộc sống đức tin, cuộc hành trình tiến về vĩnh cửu chỉ thực sự có giá trị, chỉ thực sự đúng hướng và chắc chắn đạt tới cùng đích khi chúng ta biết tiến bước trên lộ trình của Thiên Chúa, theo vết chân của chính Đấng Là Đường, là chân lý, là Ánh sáng cho trần gian, biết mở mắt chiêm ngưỡng các kỳ công của tình yêu Thiên Chúa phản ảnh qua muôn vạn biến cố đời thường để dâng lên lời ca khen chúc tụng. Lời kể của một bà mẹ sau đây muốn chứng minh điều đó:
Tôi có một đứa con mù từ lúc mới sinh. Khi cháu được 20 tháng, lần đầu tiên tôi đưa cháu đến một siêu thị. Cứ vài bước, nó lại dừng lại để lắng nghe những tiếng động chung quanh: tiếng chân của những người đi bộ, tiếng xe chạy, tiếng chim đang hót, tiếng gió mát từ xa thổi đến…
Trên đường về, tôi nhận thấy con tôi vui vẻ rộn rã hơn bao giờ hết. Nụ cười của nó nói với tôi rằng buổi sáng hôm đó là buổi sáng đẹp nhất đối với nó, vì nó đã khám phá được những điều mới mẻ kỳ diệu.
Riêng tôi, tôi tự hỏi: con tôi và tôi, ai thực sự là kẻ mù loà ?
Mà cho đến hôm nay, nếu đúng tôi là một kẻ mù lòa, thì cũng không có gì để thất vọng, không lúc nào tôi bị chối từ vì đến trễ, bởi vì Đức Kitô, Vị Thượng Tế hằng biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta sẽ “trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,7-10), là Đấng luôn đưa mắt, hướng tai về phía của những người bất hạnh như anh chàng mù ăn xin bên vệ đường Bartimê để dõng dạc công bố một Tin Mừng: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!”. Chúng ta cũng sẽ nhận được tin vui như thế trên từng cây số cuộc đời khi chúng ta biết “vứt áo choàng, đứng lên và lao thẳng về phía của Ngài với niềm tin yêu trông cậy”.
(Giuse Trương Đình Hiền)
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, xin mở mắt tâm hồn con, để con hiểu bản thân và sứ mạng của Ngài, cũng như để con có thể sẵn sàng bước theo Ngài, làm môn đệ Ngài. Và khi đã nghe tiếng Ngài kêu gọi trong cuộc sống, xin cho con biết mau mắn dứt khoát bỏ đi mọi sự, kể cả chiếc áo choàng của danh vọng, sự kiêu căng, những cái mà bấy lâu nay con vẫn giữ khư khư làm hành trang cho cuộc sống, để từ đây con được hiệp thông thân tình với Ngài.

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Thứ Bảy tuần XXIX thường niên - 27/10/12

Thay đổi cái nhìn

“Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy" (Lc 13, 5)

Suy niệm: 
Cùng một biến cố, nhưng người ta có thể nhìn dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Bệnh AIDS (SIDA) chẳng hạn, các nhà Y học coi đó như một thách đố cho việc tìm tòi, một số kỹ nghệ gia coi đó là dịp để tung ra các sản phẩm phòng ngừa, các nhà đạo đức thì coi đó như là chiếc roi của Thiên Chúa trừng phạt nhân loại, còn người có đức tin thực sự lại nhận ra ở đó khởi điểm của tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.
Chúa Giêsu đã nhắc đến phản ứng rất thông thường của người Do thái và có lẽ cũng là của nhiều Kitô hữu, đó là qui trách nhiệm cho Thiên Chúa về mọi sự trừng phạt. Khi Philatô ra lệnh xử tử một số người Galilê nổi loạn, thì người Do thái cho rằng những người này đáng bị trừng phạt vì là những kẻ tội lỗi. Khi tháp Silôê đổ xuống làm một số người chết, người ta cũng bảo là họ bị Chúa phạt.
"Chúa phạt", đó có thể là phản ứng của chúng ta khi đứng trước một tai họa của người khác. Chúng ta vừa gán cho Chúa một hình ảnh không mấy đúng đắn về công bình, vừa vô tình kết án người khác mà quên đi thân phận yếu hèn của mình.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào các biến cố với niềm tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa. Dù con người tội lỗi đến đâu, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương, tha thứ cho họ. Ý thức về tình yêu ấy, con người cũng được mời gọi hoán cải. Càng nhận ra tình yêu Thiên Chúa, càng ý thức về thân phận yếu hèn của mình thì càng phải cảm thông và yêu thương người khác nhiều hơn. Sám hối trước tiên phải là sám hối trong cái nhìn về Thiên Chúa nhân từ, đồng thời thay đổi cái nhìn đối với người khác.
Ước gì hoa trái của yêu thương, phó thác, tha thứ trổ bông trong tâm hồn và tràn ngập trong ánh mắt chúng ta.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, Chúa đã kiên nhẫn chờ đợi chúng con ăn năn sám hối. Xin Chúa giúp chúng con mau mắn quay về với Chúa. Xin hãy làm phát sinh những hoa quả tốt tươi trong tâm hồn chúng con là tình yêu mến, đức công bình, lòng quảng đại bao dung... Ðó là điều Chúa chờ đợi và vui mừng khi nhìn thấy kết quả tốt đẹp nơi chúng con. Xin Chúa chúc lành cho chúng con và giúp chúng con trung thành với điều ước nguyện.

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Thứ Sáu tuần XXIX thường niên - 26/10/12

Đừng đánh mất cơ hội


"Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải?” (Lc 13,57)

Suy niệm: 
Đức Kitô Đấng thiên sai đã đến, đời sống mới mẻ và hồng phúc đã bắt đầu: ta hãy biết suy nghĩ và nắm lấy thời cơ, đừng để lỡ dịp. Đó là những điều mà Lời Chúa hôm nay muốn khuyên nhủ ta.
Trước hết, Chúa Giêsu than phiền về thái độ dại khờ và chậm chạp của con người trước các dấu chỉ của thời đại. Trong việc đoán trước về thời tiết gió mưa, người ta thường nhanh trí và ít sai lầm: thấy đám mây nổi lên ở phía tây, người ta đoán ngay được là trời sắp mưa, thấy gió nồm thổi đến người ta lại đoán ngay được là trời sắp nóng nực. Trong việc giao dịch với kẻ khác, người ta cũng lanh lợi và khôn ngoan không kém: ví dụ khi bị đối phương kiện cáo và lôi đến tòa án, người ta biết thu xếp với kẻ đó trước khi bị ra trước tòa, nhờ dó sự việc được êm xuôi, hoặc người ta chỉ bị thiệt hại ít.
Còn trong những việc liên quan đến Thiên Chúa và phần rỗi, người ta lại quá kém cỏi. Với sự có mặt của đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, loài người đang ở vào một thời buổi nghiêm trọng: vì đây là lúc Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu rỗi của Người và con người phải nắm lấy cơ hội, phải chọn lựa dứt khoát giữa hồng ân Thiên Chúa và sự hư mất đời đời. Qua những Lời của Ngài, Chúa Giêsu muốn cho thấy tính cấp bách của việc người ta phải có lập trường đón nhận hay từ khước Ngài, cũng như nguy cơ người ta bỏ mất dịp may, nếu người ta chần chừ và không biết suy nghĩ.
Chỉ có một chọn lựa đưa đến hạnh phúc: đó là chọn lựa Đức Kitô. Thánh Phaolô cũng muốn nói như thế. Người hiểu rằng chỉ có một cách để ra khỏi tình trạng đáng buồn của con người, đó là nhìn về Đức Kitô và bám vào sự giải phóng Ngài đã mang đến. Bởi vì ngoài Đức Kitô, người ta sẽ không sao vượt thắng được ảnh hưởng của sự tội nơi mình, người ta sẽ không có sức để thực thi điều lành, vì điều lành mình muốn làm thì lại không làm. Thánh Phaolô đã gặp được sự giải phóng do Đức Kitô mang lại và người sung sướng hô lớn lên lời cảm tạ Thiên Chúa.
Vậy kẻ khôn ngoan thật trước “thời điểm”, tức là trước những dấu chỉ của thời đại là kẻ ý thức rằng, chỉ có hạnh phúc thật nơi Đức Kitô mà thôi và vội vã hướng về Ngài, chọn Ngài, gắn bó với người. Kẻ đó đã được cơ hội độc nhất vô nhị. Sự hiện diện của Chúa Giêsu tử nạn phục sinh trong mầu nhiệm Thánh Thể luôn là tiếng nhắc nhở cho thế gian rằng giữa cảnh đời phù vân, đã có một thực tại vững bền đáng người ta quên mọi sự để nắm lấy cho được. Sự hiện diện của Ngài cũng mời gọi ta hãy lanh lẹ lựa chọn những gì thuộc hạnh phúc vĩnh cửu, dù có phải dại khờ và thua thiệt về mọi điều thuộc thế gian, để như thánh Phaolô, ta cảm nếm được hạnh phúc sâu xa của một đời ở trong Đức Kitô.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin hãy thông ban ơn thánh để mở mắt cho chúng con được nhìn thấy những lúc ân sủng Chúa đến với mỗi người chúng con. Xin ban Thánh Thần Chúa xuống trên chúng con, để chúng con đừng mù loà, đừng cố chấp khi những giây phút ân sủng Chúa đến thăm chúng con. "Cảnh trời sắc đất thì các ngươi biết rõ, còn thời đại này, thời đại ân sủng với những dấu chỉ mời gọi và thức tỉnh của nó tại sao các ngươi không biết đến?" Xin cho chúng con biết lắng nghe Lời Chúa mời gọi hôm nay trong giây phút này. Amen

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Thứ Năm tuần XXIX thường niên- 25/10/12


Đường đến vinh quang


Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên (Lc 12,49)
Suy niệm: 
Lời Chúa Giêsu nói về sứ mạng của Ngài cũng là một lời khuyến cáo các môn đệ Ngài: Sự kiện Nước Thiên Chúa đến, không phải để các môn đệ hưởng thụ cuộc sống bình an một cách thụ động. Họ sẽ hưởng bình an đấy, nhưng là bình an mà họ phải cố gắng chiến đấu mới đạt được, chiến đấu trong gian truân thử thách, chiến đấu với cả những người thân nhưng không cùng niềm tin với mình. Phaolô và Barnaba đã hiểu như thế, nên đã khuyên các tín hữu rằng: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14,22)
Bằng hai hình ảnh “hòa bình” và “chia rẽ”, Chúa Giêsu kêu gọi người ta chọn lựa thái độ trước Tin Mừng của Ngài: Nhiều người nghĩ rằng Đấng Messia là Đấng mang hòa bình đến. Chúa Giêsu xác nhận rằng đúng thực, sứ mạng của Ngài là một sứ mạng hòa bình. Nhưng Ngài thấy cần giải thích thêm, “Hoà bình” có nhiều nghĩa: hoà bình kiểu thế gian và hoà bình của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói rằng Ngài đến thế gian không phải để đem hòa bình kiểu thế gian, mà là hòa bình của Thiên Chúa. Hoà bình mà Chúa Giêsu mang đến, sẽ chỉ nhận được sau khi người ta đã cố gắng chiến đấu để sống theo Tin Mừng của Ngài. Thực tế cho thấy là sứ vụ của Chúa Giêsu đã gặp chống đối, và Lời rao giảng của Ngài đã gây ra chia rẽ giữa những người tin và những người không tin, chia rẽ xảy ra ngay trong lòng một gia đình.
Hòa bình Chúa ban là kết quả của những cố gắng để giải quyết tình trạng “chia rẽ”:
a/ Nơi bản thân mỗi người, chỉ có hòa bình thật khi không còn xung đột giữa cái tôi hướng thiện với cái tôi hướng ác;
b/ Nơi gia đình, nơi xã hội và bất cứ nơi nào cũng thế, chỉ có hòa bình thật khi mọi người đều một lòng một ý với nhau.
“Nếu trong tương lai, chúng ta không ký kết được những hiệp ước vững chắc và thành thật bảo đảm cho một nền hòa bình đại đồng, thì nhân loại, hiện đang gặp nguy cơ trầm trọng dù có một nền khoa học kỳ diệu đi nữa, có lẽ cũng sẽ tiến đến thảm khốc, tới một giây phút mà nhân loại sẽ không biết hòa bình nào khác hơn là thứ hòa bình khủng khiếp của chết chóc.” 
Ðức Giêsu nói: "Thầy đến để gây chia rẽ". Một câu nói xem ra nghịch lý, khó chấp nhận. Nhưng nếu phân tích sâu xa thì câu nói đó lại là một chân lý tuyệt vời. Hòa bình đích thực chỉ có sau khi đã quyết liệt chiến đấu để chọn lựa. Hòa bình chỉ có khi đã phân rẽ sự ác khỏi điều thiện, bóng tối ra khỏi ánh sáng...
Bình an chỉ có thể đạt được bằng giá của chiến đấu liên lỉ, chống lại tư lợi và khuynh hướng xấu trong con người. "Nếu “muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh". Nếu muốn có bình an trong tâm hồn, hãy chuẩn bị đương đầu với những cạm bẫy và sức mạnh của ác thần luôn bủa vây lôi kéo chúng ta đến tội lỗi.
Chúng ta tiếp tục đi theo con đường của Chúa Kitô; chúng ta tiếp tục đau khổ vì tin rằng bên kia những thất bại, khổ đau, tình yêu Thiên Chúa vẫn còn mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Chúng ta đón nhận mọi bách hại, thù ghét, thua thiệt, vì tin rằng chỉ có tình yêu mới có thể thắng vượt được ích kỷ, hận thù trong lòng con người.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, để được sự bình an của Chúa trong cuộc sống, chúng con phải chấp nhận từ bỏ tội lỗi, từ bỏ hận thù, ghen ghét, ích kỷ... Xin Chúa thêm sức mạnh cho chúng con để chúng con can đảm, dứt khoát chọn lựa cho mình tình yêu chân chính và sự bình an vĩnh cửu của Chúa. Xin Chúa Kitô tiếp sức cho chúng con, để chúng con bước theo con đường Thập giá dẫn đến vinh quang.

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Thứ Tư tuần XXIX thường niên -24/10/12

Hãy tỉnh thức và sẵn sàng


Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến (Lc 12, 40)


Bất cứ ở địa vị nào, không ai trong chúng ta được phép thờ ơ đối với việc sống đạo. Và bất cứ lúc nào, ngày nào, chúng ta cũng luôn là những kẻ sẵn sàng chờ Chúa, vì biết Chúa nói đi nói lại để ta nhớ kỹ rằng Ngài sẽ đến một cách hết sức bất chợt, vào giờ ta không biết, vào ngày ta không ngờ.
Đừng bao giờ ta ở đó để tính khi nào Chúa đến, mà vấn đề chính là, lúc nào Chúa đến, hãy ở trong tư thế đón Chúa và mở cửa cho Chúa vào. Ta đừng lo tự hỏi: bao giờ Chúa đến với tôi, mà hãy lo tự hỏi: lúc này đây, tôi có đang sẵn sàng đón Chúa hay chưa?
Thánh lễ mỗi ngày hiện tại hóa việc Đức Kitô vượt qua từ cõi chết sang cõi sống. Ngài đem chúng ta vượt qua cùng với Ngài. Ta hãy kết hợp với Ngài bằng thái độ chết cho thế gian, hiến thân cho đời sống mới, để ngày hôm nay, ta được bắt đầu ở trong niềm vui sâu xa của kẻ đã đón Chúa vào linh hồn, đã bước vào Nước trời vinh quang.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết sẵn sàng để có thể lên đường với Chúa khi Người đi ngang qua đời con và cất tiếng gọi mời.

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Thứ Ba tuần XIX thường niên-23/10/12

Tỉnh thức


“Khi chủ về mà thấy những đầy tớ đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ.” (Lc 12,37)

Suy niệm: 
- Dụ ngôn minh họa sự tỉnh thức: như một người đầy tớ đang đợi chủ đi ăn cưới không biết sẽ về lúc nào (Tiệc cưới ở do thái kéo dài không biết đến bao giờ mới kết thúc, có khi kết thúc buổi chiều, có khi mãi tới nửa đêm hay muộn hơn nữa). Người đầy tớ ấy “thắt lưng cho gọn” (tư thế sẵn sàng làm việc), và “thắp đền cho sẵn” (để khi chủ về thấy lối mà vào nhà. Tư thế sẵn sàng phục vụ). Nếu biết rõ lúc nào chủ về thi dễ hơn nhiều, vì chỉ cần chờ gần tới lúc đó mới thắt lưng và thắp đèn. Nhưng vì không biết chừng nào chủ về nên phải sẵn sàng luôn. Vừa nghe thấy một tín hiệu nhỏ cho biết chủ sắp về tới là mau mắn làm việc và phục vụ ngay. Như thế tỉnh thức đi kèm với sẵn sàng và nhanh nhạy.
- Tỉnh thức để làm gì? Dụ ngôn nói “để đợi chủ về.” Nghĩa đầu tiên là đợi chờ ngày Chúa Giêsu lại đến; nghĩa thứ hai là ngày chết của mỗi người; nghĩa thứ ba là những lúc Chúa đến viếng thăm ban ơn cho ta. Trong cả 3 trường hợp ấy, chỉ có ai tỉnh thức, sẵn sàng và nhanh nhạy mới gặp được Chúa và được Chúa thưởng.
Trong thư của thánh Phêrô (1 Pr 1,13-16) giải thích thế nào là tỉnh thức: “đừng chiều theo những đam mê... sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em.”
“Lời Chúa được ngỏ với con người xuyên qua cuộc sống mỗi ngày, nên cũng luôn mang tính bất ngờ. Chính trong những cái thường nhật, nhỏ bé, đơn điệu mỗi ngày, con người được mời gọi để nhận ra lời ngỏ của Chúa. Chính trong những cái bất ngờ của cuộc sống mà con người được mời gọi để nhận ra tiếng Ngài... Xin Ngài cho chúng ta luôn có đôi mắt rộng mở để nhìn thấy Ngài trong từng biến cố cuộc sống. Xin Ngài cho chúng ta đôi tai tinh tường để biết lắng nghe tiếng mời gọi của Ngài trong từng phút giây cuộc sống. Xin Ngài cho chúng ta quả tim và đôi tay rộng mở để biết chia sẻ cho tha nhân là hiện thân của Ngài.”
“Thái độ cơ bản của người Kitô hữu, đó là tỉnh thức. Người Kitô hữu tỉnh thức vì biết rằng mỗi khoảnh khắc đều mang một ý nghĩa đối với một giai đoạn mới hoặc cần thiết cho sự trưởng thành, mỗi biến cố đều mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.”
Tỉnh thức là luôn luôn ở trong tình trạng đang làm nhiệm vụ. Lời của một bản thánh ca: “Con Linh mục, con muốn chết ở bên bàn thờ.”
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, hãy thắp đèn cho sẵn” (Lc 12,35)
Nghe ai đó quảng cáo: “Nấm tróc ăn ngon lắm” bạn tôi liền trổ tài đầu bếp. Trong ngày sinh nhật của nó, nó làm nấm rồi chế biến thức ăn rất ngon. Trước khi nhập tiệc, nó tuyên bố: sẽ đãi chúng tôi một món ăn lạ, nhưng hãy an tâm vì nó đã cho con chó ăn thử rồi. Tiệc sinh nhật sắp kết thúc, trong lúc mọi người đang vui vẻ, đứa em của bạn tôi chạy về vừa nói vừa thở: “Chi Duyên ơi, con chó nó chết rồi.” Không ai bảo ai, chúng tôi chạy tán loạn, ai cũng muốn đi bằng phương tiện nào đó đến bệnh viện nhanh nhất. Ngay lúc đó, người ta kéo xác con chó mới bị đụng xe về, mọi người thở phào nhẹ nhõm như vừa thoát chết.
Tôi thầm nghĩ: cuộc sống đời này chỉ là tạm thời, ai cũng sẽ chết, thế mà người ta lại lo lắng, chăm sóc, bảo vệ. Nhưng bên cạnh sự sống này còn có một sự sống bất diệt, một cuộc sống cần phải gìn giữ hơn lại bị coi là thứ yếu vì không mấy người sợ phải chết đời đời.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, nếu mỗi người chúng con đều biết tỉnh thức để sắm sẵn cho mình sự sống đời đời, chắc hẳn thế giới này đã tươi đẹp hơn. Xin cho chúng con luôn sống tỉnh thức để đôi mắt chúng con có thể nhìn thấy Chúa trong từng biến cố cuộc sống, đôi tai chúng con tinh tường biết lắng nghe tiếng mời gọi của Chúa trong từng phút giây cuộc đời, trái tim chúng con luôn sáng ngời tình yêu thương và đôi tay rộng mở chia sẻ cho tha nhân là hiện thân của Ngài.

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Thứ Hai tuần XXIX thường niên - 22/10/12

Điều chỉnh hướng đi


Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam (Lc 12,15)

Suy niệm: 
Văn hào Nga Lêon Tolstoi có kể một truyện ngụ ngôn như sau: Ngày kia, một người phú hộ gọi người đầy tớ trung thành nhất đến và nói:
Tôi muốn thưởng lòng trung thành của anh; ngày mai, từ lúc mặt trời mọc, anh hãy ra đi, và tính cho đến lúc mặt trời lặn bao nhiêu dặm anh đi được là bấy nhiêu dặm đất thuộc về anh.
Con người khốn khổ bao năm sống nhờ ông chủ giàu có tưởng mình đang mơ. Tối đó anh không sao chợp mắt được, chỉ mong trời mau sáng để lên đường. Khi ánh dương vừa ló rạng, anh hăm hở ra đi. Anh cố gắng đi thật nhanh, nhưng vẫn không thỏa mãn với tốc độ đi, thế là anh liền chạy. Càng nhìn lại quãng đường đã qua, vừa chạy vừa mơ: rồi đây anh sẽ có nhiều đất đai, sẽ giàu có hơn người, sẽ không còn phải sống cảnh đầy tớ nữa; càng mơ, anh càng chạy.
Giữa trưa nắng, anh cũng không màng đến chuyện để ăn và nghỉ ngơi lấy sức, anh không muốn mất một tấc đất nào.
Chiều đến, khi những tia nắng tắt, anh dừng lại và reo lên: “Đây là đất của ta, ta sẽ có tất cả cho ta, cho gia đình, cho tương lai.” Thế nhưng, chính lúc thốt lên câu đó, anh thấy mắt mình hoa lên, tay chân không cử động và tim cũng ngừng đập. Ngày hôm sau người ta chôn cất con người khốn khổ ấy trong hai thước đất, khoảng đất vừa đủ cho một con người.
Nỗi khốn khổ của người đầy tớ trên đây chính là sự khờ khạo của anh; anh khờ khạo đến độ không nhận ra cái bẫy người giàu giăng ra cũng như không đo lường được sức mạnh.
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng gọi những kẻ giàu có là ngu dại. Cái ngu dại của người phú hộ trong dụ ngôn là không thể nhìn xa hơn cái kho lẫm mà ông tự xây cất để giam hãm mình vào; cái ngu dại của ông là không biết mình có đem được của cải nào sau khi chết hay không?
Kẻ ngu dại nói chung là kẻ sống mà không biết mình đang đi về đâu, không biết đâu là ý nghĩa và hướng đi của cuộc đời. Kẻ ngu dại là kẻ lấy phương tiện cuộc sống làm cùng đích đời người; họ chạy theo quyền lợi, danh vọng, tiền bạc, họ chối bỏ tiếng lương tâm để làm điều phi pháp; họ chà đạp người khác để đạt danh vọng, quyền bính.
Cuộc sống hiện tại có thể là một cạm bẫy. Những giành giựt mưu sinh có thể biến chúng ta thành kẻ ngu dại, chỉ nhìn thấy chén cơm manh áo mà quên đi ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống. “Cái khó không những bó cái khôn,” mà còn trói buộc lòng quảng đại của chúng ta.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta điều chỉnh hướng đi. Hướng đi của những người có niềm tin phải là hướng đi về những giá trị của Tin Mừng và cùng đích cuộc đời. Giữa chợ đời tranh chấp bon chen, người có niềm tin sẽ bị xem là kẻ mất mát khờ dại, nhưng điều người đời cho là khờ dại chính là lẽ khôn ngoan là luận lý của Thiên Chúa.
Dù phải lội ngược dòng để trung thành với những giá trị Nước Trời, chúng ta cũng hãy can đảm tiến bước và tín thác vào Chúa.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết điều chỉnh hướng đi cho cuộc đời của mình, để hướng đi của chúng con hợp với thánh ý Thiên Chúa và để cho đời sống của chúng con luôn phản chiếu tình yêu thương và lòng nhân hậu của Chúa. Amen

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI-Chúa Nhật Truyền Giáo- 21/10/12


Anh em hãy đi…


Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo (Mc 16,15)
Suy niệm: 
Con người thường có hai thái độ sống đối nghịch nhau. Một bên là những người chỉ biết có việc đạo. Sống dưới đất nhưng lòng trí để cả ở trên trời. Không tha thiết gì với những người chung quanh. Không tham gia những sinh hoạt xã hội. Khinh chê tất cả những giá trị ở đời này. Ngược lại, bên kia là những người sống như chỉ biết có việc đời. Chỉ coi trọng những giá trị vật chất. Chỉ biết có đời này. Sống là còn. Chết là hết. Cả hai thái độ đều bất cập.
Việc Đức Giêsu lên trời và những lời Ngài truyền dạy trước khi từ giã trần gian giúp ta có một cái nhìn đúng đắn hơn đối với trời và đối với đất.
Đức Giêsu lên trời. Điều đó dạy ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác. Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác. Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác.
Trời là nơi hạnh phúc không còn khổ đau. Trời là nơi cuộc sống vĩnh viễn không bị tiêu diệt. Trời là nơi tất cả mọi giá trị đạt đến mức tuyệt đối. Trời là nơi con người trở thành thần thánh, sống chung với thần thánh.
Như thế trời là niềm hy vọng của con người. Con người không còn bị trói chặt vào trần gian. Định mệnh của con người không phải chỉ là đớn đau sầu khổ. Số phận con người không phải sinh ra để rồi tàn lụi. Trời cho con người một lối thoát. Trời mở ra cho con người một chân trời hạnh phúc. Trời cho con người một cơ hội triển nở đến vô biên.
Trời nâng cao địa vị con người. Có trời, con người không còn bị xếp ngang hàng với súc vật. Súc vật sinh ra để tàn lụi. Con người sinh ra để triển nở, để vượt qua số phận, để đạt tới địa vị con Thiên Chúa. Có trời, con người sẽ được nâng lên ngang hàng thần thánh.
Tuy nhiên, trời không phải xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian. Trời không phải là cõi mơ mộng viển vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại.
Chính vì thế mà hai thiên thần áo trắng đã bảo các môn đệ đừng đứng nhìn trời mãi làm chi, nhưng phải trở về mà lo chu toàn nhiệm vụ.
Chính vì thế mà trước khi lên trời, Chúa căn dặn các môn đệ hãy đi làm việc cho nước Chúa. Sống và làm việc ở trần gian, đó là một nhiệm vụ phải chu toàn. Hoàn thành nhiệm vụ ở trần gian, đó là điều kiện để đạt tới hạnh phúc nước trời.
Chính Đức Giêsu cũng đã chu toàn nhiệm vụ ở trần gian rồi mới lên trời. Nhiệm vụ đó là đi rao giảng tin mừng khắp nơi. Đi đến đâu là thi ân giáng phúc đến đấy. Đi đến đâu là đem yêu thương đến đấy.
Hôm nay Chúa cũng sai các môn đệ và chúng ta đi rao giảng Tin mừng khắp thế gian. Hãy đi làm mọi việc tốt đẹp cho mọi người.
Làm việc tốt đẹp ở trần gian đó là góp phần xây dựng nước trời. Góp phần xây dựng trần gian đó là dọn chỗ ở trên nước trời. Trần gian không phải là nơi cho ta bám víu vì không vĩnh cửu. Nhưng trần gian là cơ hội cho ta đạt tới nước trời.
Chính vì thế, người môn đệ của Chúa phải sống giữa trần gian, phải yêu mến trần gian, phải xây dựng trần gian. Vì trần gian là nơi Chúa sai ta đến làm việc.
Tuy nhiên người Kitô hữu làm việc ở trần gian mà lòng vẫn hướng lên quê trời. Yêu mến trần gian vì nước trời. Yêu mến trần gian để biến trần gian thành nước trời bằng việc rao giảng Tin Mừng ngang qua lời nói, gương sáng và những việc làm cụ thể.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin cho mỗi chúng con luôn ý thức sứ mạng của Kitô hữu là truyền giáo. Sứ mạng ấy Chúa đã ủy thác cho các tông đồ hôm xưa và cho tất nhiên cho cả chúng con hôm nay nữa. Xin cho chúng con hăng say rao giảng Tin Mừng bằng lời nói và tuyên xưng bằng việc làm, nhằm mưu tìm hạnh phúc cho tha nhân và nâng cao phẩm giá con người. Hạnh phúc ấy chúng con sẽ chẳng tìm được ở đâu ngoài Chúa, vì chính Ngài mới là nguồn hạnh phúc đích thực cho đời sống chúng con.

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Thứ Bảy tuần XXVIII thường niên- 20/10/12


Tội phạm đến Chúa Thánh Thần


Ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha (Lc 12,10)
 Trong mỗi người chúng ta đều có những khát vọng về chân lý, nhưng chính thái độ bịt tai nhắm mắt trước sự thật đã khiến con người mất dần khả năng cảm nhận sự thật để rồi đối với họ sự thật chẳng còn giá trị gì. Chúa Thánh Thần là Chân Lý, nhưng nếu đứng trước Ngài, con người vẫn giữ thái độ cố chấp, thì dù Ngài là Ðấng giúp con người hiểu biết và đi tìm chân lý, Ngài cũng đành bó tay. Không tìm đến với nguồn chân lý, làm sao con người có thể nhận được ơn tha thứ?
Cầu nguyện: 
Xin Chúa cho chúng con có một tâm hồn yêu mến và nhạy cảm trước sự thật. Xin cho chúng con biết can đảm vượt qua những trói buộc của đam mê, ích kỷ, tội lỗi, để tìm đến với sự thật, vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng con.

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Thứ Sáu tuần XXVIII thường niên - 19/10/12

Các con đừng sợ


Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa (Lc 12,4)

Suy niệm: 
Thánh Justinô là một triết gia nổi tiếng của Kitô giáo vào thế kỷ II; ngài đã bị bắt giam tại Rôma cùng với một số Kitô hữu khác, vì tội tuyên truyền tôn giáo trong trường học do ngài điều khiển. Ra trước tòa, khi được hỏi về hành động của mình, thánh nhân dõng dạc tuyên bố:
- Suốt đời tôi, tôi đã đi tìm kiếm chân lý; tôi đã nghiên cứu sâu xa các triết lý Ðông Phương, Hy Lạp và Rôma; thế nhưng cuối cùng tôi đã tìm được giáo thuyết chân thật.
Quan tòa liền hỏi giáo thuyết chân thật đó là gì ? Thánh nhân giải thích:
- Thưa là giáo thuyết của Chúa Giêsu Nazaret, giáo thuyết này nhằm giải phóng chúng ta khỏi các ngẫu tượng và dạy chúng ta thờ phượng một Thiên Chúa độc nhất, hằng sống và chân thật, là Ðấng tạo thành trời đất, là Ðấng cứu rỗi nhân loại.
- Vậy ông là một Kitô hữu ư?
Thánh nhân liền tuyên xưng:
- Phải, tôi là một Kitô hữu và tôi lấy làm vinh dự được làm Kitô hữu cùng với các bạn tôi đây. Quan tòa ra lệnh cho thánh nhân và các bạn của ngài phải tế thần, thánh nhân trả lời một cách cương quyết:
Chúng tôi không tôn thờ ngẫu tượng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi là những người vô thần. Chúng tôi thờ lạy một Thiên Chúa thiêng liêng. Một người có đầu óc lành mạnh không thể từ bỏ tôn giáo chân thật để chạy theo một tôn giáo giả.
Thấy không thể thuyết phục được thánh nhân bỏ đạo, quan tòa ra lệnh đánh đòn rồi xử trảm thánh nhân và các bạn.
Ðứng trước cái chết, ai cũng run sợ. Chúa Giêsu đã không thoát khỏi tâm trạng ấy: Ngài run sợ đến toát mồ hôi máu. Vậy đâu là sức mạnh giúp Chúa Giêsu thắng vượt sự sợ hãi ấy? Thưa, chính là sự kết hiệp với Chúa Cha. Niềm tín thác vào sự hiện diện và tình yêu của Chúa Cha đã giúp Chúa Giêsu thắng vượt mọi thử thách và yếu hèn trong thân phận làm người.
Ðó cũng là bí quyết của tất cả các thánh tử đạo. Sách Công vụ Tông Ðồ kể lại đầy đủ chi tiết cái chết của vị tử đạo tiên khởi là thánh Stêphanô. Thánh nhân cũng phải trải qua những giây phút kinh hãi như chính Chúa Giêsu; nhưng sách Công vụ Tông đồ mô tả thái độ của ngài như sau: "Ngài được đầy Thánh Thần, đăm đăm nhìn trời cao thấy vinh quang của Thiên Chúa và thấy Chúa Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa". Chỉ bằng một ánh mắt luôn hướng về trời cao như thế, con người mới có thể lướt qua thử thách và sợ hãi. Thánh Justinô đã có được sự bình thản trước cái chết, bởi vì ngài luôn tin tưởng vào Thiên Chúa hằng sống và chân thật. Nhìn lại cung cách của một số vị tử đạo, chúng ta có được sức mạnh của Lời Chúa trong đời sống con người. Sứ điệp Tin Mừng hôm nay tập trung vào hai chữ: "Ðừng sợ" được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần. Ðây chính là một mệnh lệnh của Chúa Giêsu chạy xuyên suốt toàn bộ Tin Mừng. Trong biến cố Truyền tin, thiên sứ đã nói với Ðức Maria: "Ðừng sợ". Khi Chúa Giêsu sinh ra, các thiên sứ đã loan báo tin vui bằng lời trấn an các mục đồng: "Ðừng sợ". Ðây là công thức sẽ được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần với các môn đệ, và cao điểm là lúc Ngài tuyên bố: "Các con đừng sợ, vì Thầy đã thắng thế gian".
Khi được bầu làm Giáo Hoàng, trong diễn văn đầu tiên tại quảng trường thánh Phêrô, Ðức Gioan Phaolô II đã dõng dạc tuyên bố: "Ðừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô". Thật thế, khi con người mở rộng cửa cho Chúa Kitô, khi con người để Chúa Kitô sinh động trong tâm hồn, khi con người chỉ sống bằng sự sống của Chúa Kitô, thì lúc đó con người sẽ lướt thắng được mọi sợ hãi, và chỉ lúc đó, con người mới có thể lên tiếng công bố Lời Chúa cho mọi người.
Nguyện xin sức sống của Chúa Kitô tràn ngập tâm hồn chúng ta, để cả cuộc đời chúng ta trở thành lời ca tụng Chúa trước mặt mọi người.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phó thác đời mình cho tình thương vô biên của Chúa. Xin giúp chúng con vượt thắng bản thân mình để can đảm sống cho niềm tin của mình. Xin tha thứ cho chúng con, vì những lần chúng con làm mất đi vẻ đẹp của hình ảnh Chúa nơi tâm hồn chúng con. Chúng con đã để những tư tưởng lỗi đức trong sạch làm mất đi vẻ đẹp thanh khiết của tâm hồn chúng con. Chúng con đã để những tham lam vô độ làm mất đi phẩm giá thanh cao nơi con người chúng con. Chúng con đã để thói lười biếng, ích kỷ làm mất đi giá trị cuộc đời của chúng con giữa gia đình và xã hội. Xin Chúa giúp chúng con biết sợ những đam mê tội lỗi để biết sống trong sạch, tiết độ và vị tha. Xin đừng để chúng con sống trong tội lỗi mà làm mất đi vẻ đẹp cao quý là hình ảnh Chúa nơi tâm hồn chúng con.

CHÚA NÓI VỚI TÔI-Lễ thánh Luca - 18/10/12

Bài sai cho các môn đệ

Lễ thánh Luca
Lời Chúa: 
Lc 10,1-9
1Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này! " 6Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. 7Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông."
Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói (Lc 10,3)
Suy niệm: 
- “Sau đó Đức Giêsu chỉ định 72 người khác và sai các ông đi”: Theo tường thuật của Thánh Luca, Chúa Giêsu đã sai đi rao giảng không phải chỉ nhóm tông đồ mà còn cả nhóm môn đệ nữa. Luca muốn nhấn mạnh rằng không riêng gì các tông đồ, mà tất cả mọi người đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Ý này lại được làm rõ thêm với con số 72. Đây là số dân của loài người mà sách sáng thế chương 10 đã liệt kê.
Luca đã ghi một bài sai truyền giáo nhắm đến nhóm 12 tông đồ (Lc 9,1-6). Bây giờ Luca lại ghi một bài sai truyền giáo khác nhắm đến 72 môn đệ. Theo St 10, con số 72 là số chỉ tất cả các dân trên trái đất. Như thế, việc truyền giáo là sứ mạng không riêng của các tông đồ mà còn của tất cả mọi tín hữu.
- “Từng nhóm hai người”: Việc loan Tin mừng không phải là việc của một cá nhân riêng lẻ, mà là việc của cộng đoàn, không phải là độc quyền của riêng ai, nhưng phải liên đới và liên kết với nhiều người khác.
- “Hãy cầu xin”: Việc đầu tiên mà nhà truyền giáo phải làm là “cầu xin”. Thiên Chúa là chủ mùa gặt, nhận ai vào Nước Thiên Chúa là quyền của Ngài và là ơn của Ngài. Chúa Giêsu bảo cầu xin là để các môn đệ ý thức rằng họ được gọi là nhờ ơn Chúa, và để có thêm nhiều người nữa nhận được ơn ấy.
- “Như chiên non vào giữa sói rừng”: Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ về những hiểm nguy và sự thù nghịch mà có thể họ sẽ gặp phải.
- “Đừng chào ai dọc đường”: việc chào hỏi của người Phương Đông thường kéo theo những câu chuyện rề rà rất lâu. Trong khi sứ mạng loan Tin mừng đòi phải gấp.
- “Bình an cho nhà này”: đây vừa là một lời chúc vừa là một lời ban ơn bởi vì nó có sức tạo nên điều vừa cầu chúc (Is 45,23). Người rao giảng Tin Mừng phải là “con cái của sự bình an”. Họ phải có bình an trong mình và sau đó đem bình an ấy ban lại cho người khác. Nếu nhà nào đáng được hưởng ơn bình an thì được bình an, nếu không thì ơn bình an trở lại cho người chúc.
- “Cứ ở lại nhà ấy”: gặp nhà nào đầu tiên cho ở thì người môn đệ hãy ở đó. Đừng tìm hiểu nhà để so sánh chọn lựa nhà nào tiện nghi hơn. Điều quan trọng là loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa chứ không phải tiện nghi cho mình hoặc cách người ta tiếp rước mình.
- “Ăn uống của người ta cung cấp cho mình”: sứ mạng của môn đệ đừng để bị ảnh hưởng bởi những quan tâm có tính cách trần thế (đòi hỏi hoặc e ngại những của ăn thức uống người ta lo cho mình)
- “Thợ đáng trả lương”: đây là một nguyên tắc (1Tm 5,18; 1Cr 9,11). Nhưng người thừa sai cũng có thể tự ý từ chối (1Cr 9,14-18).
- “Người ta dọn thức gì cứ ăn thức ấy”: Người rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu không còn bị bận vướng bởi luật Môsê về sự phân loại thức ăn nào sạch, thức ăn nào dơ (1Cr 10,27).
- “Hãy chữa lành các bệnh nhân” : Đây là dấu hiệu Nước Thiên Chúa gần đến. Việc làm chính của người truyền giáo là “chữa lành các bệnh tật”, nghĩa là làm giảm bớt đi những đau khổ tinh thần và vật chất của người ta.
“Anh em hãy ra đi. Đừng mang theo túi tiền, bao bị giày dép (Lc 10,4). Người truyền giáo phải lưu ý: cái họ cần có hơn là ơn Chúa chứ không phải là những phương tiện vật chất (túi tiền, bao bị, giày dép…)
Nếu phải thực hiện một chuyến đi dài, tôi sẽ mang theo thứ gì ? Chắc chắn là những gì gọn nhất, nhẹ nhất, cần thiết nhất. Và hôm nay, trong lệnh truyền của Chúa Giêsu tôi đọc được nét nhẹ nhàng thanh thoát ấy trong bước chân của người môn đệ không giày dép, bao bị, tiền nong...
Và phải chăng cũng vang động trong tâm hồn tôi lời mời gọi dấn thân nhập cuộc.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, trên hành trình tiến về nhà Chúa, xin giải thoát con khỏi những ràng buộc của bản thân, của lề thói xã hội, để biết trao ban cho anh em chính Chúa chứ không phải chính con. Xin cho con luôn sẵn sàng lên đường, dám lao mình vào nơi bất định, nhẹ nhàng và thanh thoát.

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI-Thứ Tư tuần XXVIII thường niên = 17/10/12

Sống điều mình rao giảng



Khốn cho các người, hỡi các người Pharisêu…Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! (Lc11, 42.46)
Suy niệm: 
“Họ không động đến ngón tay”: Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lên án gắt gao thái độ trưởng giả của những người biệt phái. Họ là chuyên viên giải thích những luật lệ tôn giáo. Nhưng cái cốt lõi của tôn giáo là bác ái yêu thương thì họ không màng tới. Chúa Giêsu nói “Họ không động đến ngón tay.” Ra giữa phố chợ, họ xuất hiện như những nhà đạo đức. Nhưng Chúa Giêsu bảo “Họ giống như những mồ mả tô vôi, bên trong chỉ toàn là mớ xương hôi thối.” Đó là những hình ảnh của những người đạo đức giả, của những người rao giảng Tin Mừng nhưng không sống điều mình rao giảng, của những người mang danh hiệu Kitô nhưng không sống tinh thần Kitô. Ngày nay Giáo Hội của Ngài có sống còn hay không, Giáo Hội của Ngài có đáng tin cậy hay không, điều đó còn tùy ở mức độ Giáo Hội có sống trọn lời mình rao giảng hay không. Dĩ nhiên, Giáo Hội được thể hiện qua những con người bằng xương bằng thịt là chúng ta. Chúng ta có sứ mệnh minh chứng Giáo Hội ấy vẫn tiếp tục sống.
Giả hình: “Giả hình là hình giả, hình nộm. Đó là đời sống đạo che đậy dấu diếm. Kinh Thánh nói giả hình giống như một nấm mồ sơn vôi, bên ngoài coi bộ trắng trẻo, nhưng bên trong là dòi bọ xương xẩu.Ở đời này chúng ta có thể sống giả hình, dấu diếm đánh lừa được một số người thôi, chứ không thể đánh lừa được một số đông... Mà giả như chúng ta có thể đánh lừa được số đông đi nữa thì cũng không thể đánh lừa được chính Thiên Chúa... Ngài thấu suốt mọi bí ẩn tâm can.”
Thomas K. Beecher không chịu nổi sự lừa dối dưới bất cứ hình thức nào. Khi thấy chiếc đồng hồ trong nhà thờ cứ khi thì chạy sớm khi thì chạy trễ, ông treo một tấm bảng phía trên chiếc đồng hồ ấy, với hàng chữ: “Xin đừng trách mắng đôi cánh tay tôi. Cái đáng trách nằm sâu hơn thế nhiều.” Beecher muốn nói hai điều; điều thứ nhất: đừng trách hai chiếc kim đồng hồ mà hãy trách những bánh xe bên trong đồng hồ; điều thứ hai: có khi tay ta cử động sai, chân ta bước không đúng, môi miệng ta nói không chỉnh... nhưng quan trọng hơn chính là tội lỗi nằm sâu ngay trong tâm hồn của ta.
Có khi nào người ta dám quẳng bỏ những tờ giấy bạc không? Thưa có, khi đó là tiền giả. Nhiều người đã quẳng bỏ Kitô giáo vì thấy những kitô hữu giả hình.
“Khốn cho các ngươi hỡi người Pharisêu. Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích người ta chào hỏi nơi công cộng...” (Lc 11,43)
Con người như một ma lực phải làm đẹp cho mình. Nhưng có khi chỉ là để che đậy những trống rỗng bên trong.
Đôi khi tôi tự hỏi không biết mình có tự tôn, tự tạo cho mình một vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài bằng một “lý lịch” rất đạo đức? Tôi đi lễ mỗi ngày, tôi từng sinh hoạt trong ca đoàn, trong nhóm giáo lý viên, nay tôi đang tham gia các nhóm công tác xã hội, nhóm chia sẻ Lời Chúa... Đàng sau những công việc tốt đẹp ấy là gì? Phải chăng là mong được những người xung quanh nể vì? Không biết bài học “hiền lành và khiêm nhường” của Chúa đến bao giờ tôi mới thuộc được?
Con cố gắng cúi mình khiêm nhu
Xuống dấu chân nơi Ngài dừng lại.
Nhưng sâu ngút vô ngần, Ngài ơi
Vẫn không sao chạm được.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa hằng tha thiết mời gọi chúng con thanh tẩy mình mỗi ngày nên hoàn hảo hơn. Chúa luôn mời gọi chúng con loại bỏ thói giả hình, đạo đức giả để sống chân thật trước mặt Chúa và tha nhân. Nhưng Chúa ơi! Sao chúng con khó có thể sống thật với lòng mình quá! Chúng con thường đóng kịch trước tha nhân. Chúng con luôn che đậy những ý đồ xấu, những việc làm xấu bằng rất nhiều những hành vi bác ái bên ngoài. Có khi chúng con làm việc lành bác ái nhưng chỉ để che đậy biết bao việc lỗi công bình bác ái với tha nhân. Có khi chúng con tham dự thánh lễ nhưng lòng chúng con thì xa lìa Chúa bởi tội lỗi vẫn nằm sâu trong bản tính loài người chúng con. Xin tha thứ cho chúng con vì bao lần vấp ngã. Xin giúp chúng con biết sửa mình mỗi ngày, biết canh tân đời sống cho xứng với tình yêu mà Chúa dành cho chúng con.

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI-Thứ Ba tuần XXVIII thường niên-16/10/12

Quan tâm đến điều cốt yếu

Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch (Lc 11, 41) 

Suy niệm:
Lời Chúa hôm nay không lên án những bàn tay chưa sạch khi ngồi vào bàn ăn, nhưng kết án những tâm hồn dơ bẩn bởi nhuốm màu tham lam, gian trá, độc ác. Sống thanh sạch theo tinh thần của Tin Mừng là thái độ chân thành, sống với Chúa, với tha nhân bằng một trái tim biết yêu thương. Chúng ta hãy nghiêm chỉnh duyệt xét lại cách thức, mức độ giữ đạo và hành đạo của chúng ta. Ước gì chúng ta dần dần từ bỏ những cách thức giữ đạo hình thức, để đi vào chiều sâu của việc sống đạo với một lương tâm trong sạch, một tâm hồn quảng đại và ý hướng ngay lành.
 Cầu nguyện:
 Lạy Chúa, chúng con không chuộng lối sống đạo hình thức, nhưng lại đánh giá và chỉ chấp nhận nhau khi có sự đồng điệu ở bề ngoài. Vô tình chúng con xô đẩy nhau đến chỗ trở thành những Pharisêu chính hiệu. Xin đừng để ai muốn tìm Chúa nơi con phải thất vọng.

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI-Thứ Hai tuần XXVIII thường niên - 18/10/12

Dấu chỉ thời đại Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna (Lc 11,29) Suy niệm: Đối với những người quanh ta: Chúng ta còn được mời gọi trở nên những dấu lạ cho người thời nay để giới thiệu Chúa cho họ. Một nụ cười, một ánh mắt cảm thông, một bàn tay nâng đỡ... phải chăng đó không là những phép lạ mà lúc nào những người chung quanh cũng đang chờ đợi nơi chúng ta? Dấu chỉ: dấu chỉ là một dấu hiệu ẩn dấu một ý nghĩa. Tuy người ta không nghe dấu chỉ nói nhưng người ta có thể hiểu điều nó muốn nói khi nhìn thấy nó. Thí dụ: khi ta thấy một lá cờ cắm trên nóc một ngôi nhà, ta hiểu nhà đó là cơ quan của nhà nước; khi ta thấy áo một người kia có hình chữ thập đỏ, ta hiểu người đó làm công tác y tế v.v. Vậy thử hỏi: khi người ta nhìn tôi, có những dấu chỉ nào giúp người ta hiểu tôi là môn đệ Chúa Giêsu không? Cầu nguyện: Lạy Chúa, dân thành Ninivê xưa đã nhờ dấu lạ ông Giona mà sám hối canh tân. Xin cho chúng con biết canh tân đổi mới nhờ được nuôi dưỡng sự sống phục sinh của Chúa qua bí tích Thánh Thể. Xin mở mắt để chúng con thấy những kỳ công của Chúa mà hết lòng tán dương Chúa. Xin giúp chúng con biết sống theo đường lối Chúa để chính chúng con cũng trở thành dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa giữa thế gian.

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI- CHÚA NHẬT XXVIII QUANH NĂM- 14/10/12

SỐNG THEO ĐỨC KHÔN NGOAN “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc10,21b) Lạy Chúa! Xin ban cho con ơn Khôn ngoan, để con biết chọn lựa và từ bỏ. Trong mỗi giây phút của cuộc sống, xin cho con biết cọn lựa những gì thuộc về Chúa và sẵn sàng từ bỏ những gì làm cản bước hành trình con đến với Ngài.

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Thứ Bảy tuần XXVII thường niên - 13/10/12

LỄ ĐỨC MẸ FATIMA Lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa (Lc 11,28) Suy niệm: Chúa Giêsu đã đến để đem Tin Mừng cứu độ cho nhân loại. Nơi nào Ngài đặt chân đến, thì nơi đó Vương quyền và Nước Thiên Chúa xuất hiện. Nhận thấy quyền năng và sự khôn ngoan nơi các phép lạ cũng như lời nói và việc làm của Chúa Giêsu, một người phụ nữ trong đám đông không thể cầm mình được. Bà đã lên tiếng ca ngợi Chúa Giêsu cách gián tiếp bằng cách ca ngợi người mẹ đã cưu mang Ngài: "Hạnh phúc thay bà mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm". Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Ðúng hơn phải nói rằng: "Hạnh phúc thay kẻ lắng nghe và giữ Lời Thiên Chúa". Chúa Giêsu không có ý phủ nhận vai trò của Mẹ Maria trong việc cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Ngài; nhưng qua những lời trên đây, Ngài mạc khải mối tương quan sâu xa giữa Ngài và Mẹ Maria; mối tương quan ấy không chỉ dừng lại ở huyết nhục, nhưng hơn ai hết, Mẹ là người đã triệt để lắng nghe và giữ Lời Thiên Chúa: cả cuộc đời Mẹ, từ biến cố Truyền tin cho đến khi đứng dưới chân Thập giá, Mẹ đã đón nhận Lời Chúa, qua tiếng Xin Vâng. Câu trả lời của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ, Ngài không hàm ý phủ nhận diễm phúc nới Đức Maria, nhưng là Ngài chuẩn nhận lời nói của người phụ nữ đó về Mẹ Ngài. Bởi lẽ Mẹ đã hết tâm lắng nghe lời Chúa, mở rộng trái tim đón nhận Lời Chúa và thành tâm thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Một đời sống đạo đức gương mẫu vẫn luôn là một hấp lực và tác động người khác hơn cả những gì được viết trong sách vở. Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng ta trong việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Ðó là mối phúc mà ai trong chúng ta cũng có thể đạt được. Ước gì chúng ta tìm được hạnh phúc trong việc cưu mang Lời Chúa: cưu mang bằng cách lắng nghe, đón nhận và tuân giữ, để rồi một khi Lời Chúa đã trở thành sức sống, chúng ta có thể đem sự sống đó đến cho những người xung quanh. Cầu nguyện: Lạy Chúa, như Chúa đã khẳng định: ai nghe và tuân giữ Lời Chúa thì người ấy là Mẹ Ngài. Xin dạy con biết thành tâm lắng nghe Lời Chúa, lắng nghe với con tim khao khát đi tìm Thiên Ý. Xin dạy con biết trung tín trong việc thi hành Thánh ý Ngài. Bởi con vẫn biết với sức riêng con không thể; vì chẳng dễ nuốt chút nào khi việc thực hành Lời Chúa đòi con phải hy sinh từ bỏ; hy sinh những thú vui đang chờ sẵn, hy sinh thời gian nhởn nhơ với bạn bè để sống theo những giá trị của Tin Mừng đòi hỏi. Xin ơn Chúa gìn giữ con để con luôn biết khao khát tìm sống Thánh Ý Ngài.

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI-Thứ Sáu tuần XXVII thường niên- 12/10/12

Nương tựa vào Chúa Lời Chúa: Lc 11,15-26 Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán (Lc 11,24) Chúa Giêsu đã đến để chiến thắng ma quỉ và tội lỗi, đồng thời Ngài cũng đòi hỏi những kẻ theo Ngài phải có một thái độ dứt khoát: "Ai không theo tôi, là chống tôi, và ai không cùng tôi thu góp, là phân tán". Hình ảnh người võ trang canh giữ nhà của mình là một lời mời gọi những kẻ theo Chúa biết hoàn toàn đặt tin tưởng, phó thác vào Ngài. Tìm một người hùng mạnh để canh giữ cho mình được an toàn thì có ai bằng Thiên Chúa; kiếm một nơi ẩn náu trước những tấn công của kẻ thù, thì có đâu vững chắc cho bằng núp bóng dưới cánh tay Ngài. Chúng ta phải tìm nơi nương tựa mạnh mẽ, vững chắc, vì ma quỉ như sư tử luôn gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé, làm hại chúng ta. Một lần thất bại, nó không nản lòng, nó sẽ trở lại với một lực lượng hùng mạnh hơn. Bởi đó, chúng ta phải kiên trì trong lời cầu nguyện: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ". Cám dỗ là vũ khí ma quỉ dùng để đánh bại chúng ta, nhưng chúng ta vẫn không nao núng, nếu biết đứng vững trong đức tin để chống cự và biết ẩn núp dưới sự che chở của Chúa. Cầu nguyện: Lạy Cha, Chúa Giêsu Con Cha, đã dạy chúng con phải cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ. Giữa cuộc sống đầy hấp dẫn và lôi kéo của thế trần. Xin cho chúng con cũng biết noi gương Ngài: Luôn gắn bó với Cha, cầu nguyện cùng Cha, để chúng con được mạnh sức chiến thắng trong cuộc chiến với ma quỷ.

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI-Thứ Năm tuần XXVII thường niên - 11/10/12

Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho (Lc 11,9) Suy niệm: Một tác giả kể lại câu truyện như sau: Một hôm ông theo đoàn đánh cá ra khơi, trời thật đẹp, nhưng đến trưa, gió thổi mạnh và cơn bão rất lớn ập tới. Ðoàn người chống chọi quyết liệt nhưng vô ích, nước đã tràn vào đầy tàu. Lúc ấy, viên thuyền trưởng ra lệnh: "Các bạn hãy cầu nguyện". Người phụ tá bảo: "Sao lại cầu nguyện? Mây che kín cả bầu trời rồi, Chúa chẳng nghe thấy đâu". Nhưng viên thuyền trưởng dứt khoát: "Chúng ta cứ cầu nguyện". Tất cả đều sốt sắng cầu nguyện, bỗng từ đám mây đen nghịt ấy lóe ra một tia sáng xanh trong vắt. Viên thuyền trưởng la lên: "Cửa trời đã mở, Chúa đã nghe lời của chúng ta, và tia sáng đó là ánh mắt nhân từ Ngài nhìn xuống chúng ta. Hãy tiếp tục cầu nguyện". Sau đó, sóng gió im lặng và trời càng sáng rõ, các thủy thủ tạ ơn Chúa và đã cập bến an toàn. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta: "Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho". Ngài đưa ra hai dụ ngôn để nhắc nhở chúng ta kiên tâm trong lời cầu nguyện và siêng năng cầu nguyện cùng Chúa. Ngài đoan hứa Thiên Chúa là người Cha tốt lành sẽ ban cho chúng ta những gì chúng ta cầu xin, đặc biệt Ngài sẽ ban cho chúng ta món quà tuyệt hảo là Thánh Thần, nhờ đó chúng ta sẽ tìm được hạnh phúc đích thực. Trong thực tế, có lẽ chúng ta đã cầu xin rất nhiều, thế mà nhiều khi chúng ta chẳng nhận được. Tại sao thế? Thánh Giacôbê trả lời: "Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc". Do đó, khi cầu nguyện, chúng ta hãy ý thức điều chính yếu chúng ta phải nhắm tới trước hết, đó là "Xin cho Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời". Thiên Chúa là Cha, Ngài khôn ngoan thấu suốt những nhu cầu của chúng ta và sẽ ban cho những gì lợi ích cho phần rỗi chúng ta. Ðiều cần thiết là phải kiên trì trong niềm tin và xác tín Thiên Chúa yêu thương và ban cho những điều vượt quá sự mong ước của chúng ta. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con biết cách thức cũng như giá trị của việc cầu nguyện. Thế nhưng trong cuộc sống, chúng con lại rất dễ chán nản khi cầu nguyện. Bởi vì với cái nhìn thiển cận, chúng con chỉ biết xin những điều chúng con tưởng là tốt hoặc chỉ vì tư lợi. Và khi không được như ý muốn, chúng con bất mãn, bỏ cầu nguyện. Xin Chúa ban Thánh Thần cho chúng con, để Ngài dạy chúng con biết phải cầu nguyện thế nào cho đúng. Vì tự sức mình, chúng con không thể làm đẹp lòng Chúa được. Nguyện xin Chúa củng cố chúng con trong đời sống và tâm tình cầu nguyện, cho chúng con biết xin những gì đẹp lòng Chúa và phó thác tất cả cho tình yêu thương quan phòng của Chúa.