Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Thứ Năm tuần XXV thường niên - 27/09/12

Dấu hỏi cho người khác Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? Rồi vua tìm cách gặp Đức Giêsu (Lc 9,9) Suy niệm: Trong những dòng cuối cùng của Thông điệp "Hòa Bình Dưới Thế", Ðức Gioan XXIII đã định nghĩa một người Kitô hữu chân chính: Mỗi người Kitô hữu trong thế giới phải là một mảnh sao băng chiếu sáng, là tụ điểm của tình yêu, là men sống động giữa anh em mình. Người Kitô hữu càng đóng trọn vai trò của mình, khi càng sống mật thiết với Chúa. Người Kitô hữu không sống cho mình, nhưng sống cho và vì người khác. Một mảnh sao băng chỉ chợt lóe lên rồi lịm tắt, nhưng cũng đủ thu hút con người về một góc trời nào đó; một chút men bé nhỏ trong khối bột, nhưng cũng đủ làm dậy cả khối bột. Như thế đó, sự hiện diện của người Kitô hữu, có sức thu hút, tạo chú ý, quấy rầy lương tâm người khác, nếu cuộc sống ấy là một cam kết, một dấn thân trọn vẹn. Tin Mừng hôm nay cũng muốn nhắc nhở chúng ta về chân lý ấy. Qua lời nói, việc làm, và nhất là cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã không ngừng là một dấu hỏi cho người đương thời. Mỗi người một câu trả lời, nhưng bất cứ ai cũng được mời gọi để bày tỏ lập trường đối với con người của Chúa Giêsu. Riêng Vua Hêrôđê, ông tiến thêm một bước là muốn đến gặp Chúa Giêsu. "Còn các con, các con bảo Thầy là ai?" Câu hỏi ấy, Chúa Giêsu không ngừng đặt ra cho chúng ta, và qua chúng ta, Ngài tiếp tục đặt ra cho mọi người. Qua cuộc sống của mình, người Kitô hữu cũng phải là một câu hỏi cho những người chung quanh; và dĩ nhiên câu hỏi càng trở nên dồn dập khi cuộc sống ấy là một hành trình đi ngược dòng đời. Giữa một xã hội lấy bon chen làm khuôn vàng thước ngọc, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống tinh thần nghèo khó. Giữa một xã hội lấy hận thù làm luật sống, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi nếu họ vẫn tiếp tục yêu thương và tha thứ đến cùng. Giữa một xã hội mà nhiều người thường buông xuôi, thất vọng, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống lạc quan tin tưởng vào Ðấng luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại. Giữa một xã hội mà sự tử tế đối với nhau đã thành một thứ xa xỉ phẩm, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống tử tế với mọi người, ngay cả những người thù địch. Sống như thế quả là một đòi hỏi gay go, nhưng đó không chỉ là một cố gắng suông, mà là một thể hiện của một cuộc sống mật thiết với Chúa. Không có ơn Chúa, không sống kết hiệp với Chúa, người Kitô hữu không thể đi đến cùng những cam kết sống chứng nhân của họ. Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không là vị Thần bí ẩn. Chúa đang hiện diện và đồng hành với chúng con trong cuộc sống. Thế giới bao la xinh đẹp này là phản ánh vẻ huy hoàng tuyệt vời của Chúa. Huyền nhiệm thâm sâu của con người là phản ánh vẻ kỳ diệu muôn mặt của Chúa. Hình ảnh của Chúa được ghi khắc mọi nơi trong vũ trụ, trong muôn loài. Xin Chúa ban thêm sức mạnh cho chúng con, để trong cuộc sống chứng tá, chúng con luôn xác tín rằng chúng con đang sống nhờ Chúa, với Chúa và cho Chúa.

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Thứ Tư tuần XXV thường niên-26/09/12

Huấn thị truyền giáo Người nói: "Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo" (Lc 9,3) Suy niệm: Ðược Chúa Giêsu tuyển chọn và sống với Chúa, các Tông đồ cũng đã nghe Chúa giảng dạy và chứng kiến những phép lạ Ngài làm. Trong bài Tin Mừng hôm nay, tác giả Luca thuật lại biến cố Chúa Giêsu sai các ông đi rao giảng Tin Mừng, Ngài nhắc nhở các ông phải sống khó nghèo và hoàn toàn tin tưởng vào Chúa quan phòng. So với lần Chúa sai các môn đệ thì lần này có điểm khác biệt là thay vì được sai đi từng hai người, các Tông đồ được sai đi từng người một và được ban cho sức mạnh, quyền năng để trừ ma quỉ và chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên, các ông cũng chỉ được sai đi trước để loan báo Ngài sắp đến. Huấn lệnh cho các Tông đồ trước khi lên đường có thể gồm 3 phần: Thứ nhất, trên đường đi các ông không được mang theo gì cả, mặc dù sứ vụ của các ông kéo dài một thời gian, chứ không phải chỉ có một vài ngày; điều đó có nghĩa là các ông phải hoàn toàn từ bỏ chính mình và chỉ tin vào sức mạnh của Lời Chúa. Thứ hai: khi tới nhà nào thì phải kiên trì, không được lùi bước; nói khác đi, các ông phải tin vào sứ mệnh của mình, tin vào sự quan phòng và chờ đợi thời giờ của Chúa. Thứ ba: các ông phải có can đảm trước sự cứng đầu của những kẻ chống đối các ông. Mỗi thời đại có những cám dỗ riêng. Ma quỉ đã cám dỗ Chúa Giêsu từ bỏ sứ mệnh cứu thế, cũng như cám dỗ Ngài làm những việc lạ lùng, như hóa đá thành bánh, gieo mình xuống từ nóc Ðền thờ để mọi người thấy và tin. Ngày nay, không thiếu những người chỉ muốn dùng tiền bạc để giảng dạy hoặc dùng quyền bính để làm cho người khác kinh sợ. Một cám dỗ khác mà người Tông đồ thời nay thường mắc phải, đó là sự thiếu kiên nhẫn, chờ đợi thời giờ của Chúa. Họ dễ thoái lui rời bỏ nhiệm sở, thay đổi công việc. Cũng có những người Tông đồ không dám nói rõ những sai lầm của người khác cũng như những gì trái ngược với giá trị Tin Mừng. Thái độ chung của con người thời nay là ích kỷ và hưởng thụ, số người sẵn sàng để Chúa sai đi thật hiếm hoi, số các tệ nạn do sự sai lầm thiêng liêng ngày càng gia tăng, trong khi đó cái tôi tự do được thổi phồng. Có lần nhà hiền triết Diogène đứng ở một góc đường và cười rũ rượi như người điên loạn. Một khách bộ hành hỏi ông: "Có gì mà ông cười ngặt nghẽo như thế?" Ông đáp: "Anh có thấy tảng đá to ở giữa đường kia không? Từ khi tôi tới đây, đã có mười người vấp ngã vì nó và nguyền rủa nó, nhưng không ai quan tâm lấy nó đi để tránh cho người khác khỏi vấp ngã". Có nhiều cách làm việc Tông đồ, nhưng hữu hiệu nhất là bằng chính đời sống tốt lành của mình. Xin Chúa giúp chúng ta đáp lại lời mời của Chúa và hăng say dấn thân phục vụ những người xung quanh vì Chúa. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con thoát khỏi những mê hoặc lôi cuốn của thế gian. Xin đừng để tiền tài, danh vọng làm chúng con chóa mắt mà quên đi ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết hướng về Chúa, sống theo tinh thần của Chúa và giới thiệu Chúa cho anh chị em chúng con. Nhiệt tâm của Thánh Phaolô nhắc bảo chúng con: Khốn cho tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng". Vâng, lạy Chúa, thật là bất hạnh cho chúng con, nếu chúng con lo lắng về nhiều điều khác mà không thao thức cho Tin Mừng của Chúa được loan truyền. Xin Chúa củng cố tinh thần truyền giáo của chúng con.

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Thứ Ba tuần XXV thường niên - 25 / 09 / 12

Lắng nghe và thực hành lời Chúa Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành (Lc 8,21) Suy niệm: Chúa Giêsu đến trần gian để xây dựng một gia đình duy nhất của Thiên Chúa, gia đình của những người cùng một mục đích là nguyện cho Danh Cha được cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Ðể cho thấy sự duy nhất về cùng một gia đình đó, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: "Lạy Cha, xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha". Ðó là hình ảnh Chúa Giêsu muốn diễn tả khi Ngài nói: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành". Với ý nghĩa đó, Ðức Maria hai lần xứng đáng làm Mẹ Chúa Giêsu: Mẹ theo huyết thống và Mẹ của Thân mình mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội. Chẳng những là Mẹ thật vì đã sinh ra Chúa Giêsu, mà còn là Mẹ vì đã thực thi ý Cha trên trời. Trong biến cố truyền tin, Ðức Maria đã thưa với Sứ thần: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng theo lời thiên thần truyền". Ðiều đó nói lên suốt đời Ðức Maria, người luôn làm theo ý Chúa. Câu định nghĩa của Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta con đường đi vào gia đình của Thiên Chúa, đó là làm theo thánh ý Chúa Cha. Ước gì chúng ta luôn biết thực thi thánh ý Chúa trong suốt cuộc sống, để xứng đáng được thuộc về gia đình của Chúa. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những người thật hạnh phúc vì chúng con được làm con Chúa và được Lời Chúa dạy dỗ, dẫn dắt trong cuộc sống. Xin cho chúng con biết lắng nghe và sống theo những điều Chúa dạy. Vì sống theo Lời Chúa, chúng con sẽ cảm được sự êm ái và được bảo đảm trước những gian nan thử thách.

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI-Thứ Hai tuần XXV thường niên- 24/09/12

Ngọn đèn đức tin Ai đã có, thì được cho thêm (Lc 8,18) Suy niệm: Bất cứ du khách nào sau một lần viếng thăm nước Mỹ, cũng đều phải thán phục tinh thần làm việc và óc thực dụng của người Mỹ: tất cả những nghiên cứu của đại học đều được kỹ nghệ đỡ đầu, tất cả những phát minh mới của khoa học đều tìm được ứng dụng trong kỹ nghệ. Người Kitô hữu có thể nhìn vào đó để rút ra bài học cho đời sống đức tin của mình không? Thánh Yacôbê Tông đồ đã viết: "Một đức tin không có việc làm là đức tin chết". Một đức tin không được diễn đạt, không được ứng dụng trong đời sống hàng ngày phải chăng là đức tin chết? Trong Tin Mừng hôm nay, khi đưa ra hình ảnh chiếc đèn, Chúa Giêsu muốn nối lại truyền thống thực tiễn của Cựu Ước. Cựu Ước không thích những lý luận trừu tượng, uyên bác của Hy Lạp. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Ðấng chân thật, Cựu Ước không lý giải về những phẩm tính trừu tượng của Ngài, nhưng tìm cách đo lường sự trung thành của Ngài trong lịch sử nhân loại. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Ðấng chân thật, Cựu Ước luôn nói đến những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử con người. Khi Thiên Chúa phán một lời, lời đó không phải là một lời nói suông, mà trở thành thực tế; Thiên Chúa không chỉ nói qua các tiên tri, nhưng cuối cùng Lời của Ngài đã thành xác phàm. Chiếc đèn được đốt lên phải đặt trên cao để soi cho mọi người trong nhà. Ðây là hình ảnh cuộc sống đức tin của người Kitô hữu: cũng như chiếc đèn, đức tin cần phải được thắp lên và chiếu sáng; nó phải được đốt lên bằng những hành động cụ thể hằng ngày. Thiên Chúa là Ðấng chân thật, bởi vì sự chân thật ấy được thể hiện bằng một chuỗi những yêu thương đối với con người. Người Kitô hữu chỉ thực sự là Kitô hữu khi cuộc sống của họ thể hiện chính cuộc sống của Chúa, là yêu thương và phục vụ. Cầu nguyện: Lạy Chúa, như Chúa đã nói: ai có thì được cho thêm, ngọn đèn cháy sáng trong ngày rửa tội tượng trưng cho ánh sáng mà Chúa trao cho chúng con. Ðó là ánh sáng đức tin, và lời Chúa luôn soi dẫn cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con biết chiến đấu không ngừng với tội lỗi để duy trì và làm lan tỏa ánh sáng mà Chúa đã thắp lên trong chúng con, hầu chính chúng con và anh chị em chúng con cùng nhận biết Chúa.

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Chúa nhật XXV Thường niên năm B- 23/09/12

CÁI GIÁ CHO TƯ CÁCH NGƯỜI CÔNG CHÍNH “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời. Họ sẽ giết chết Người” (Mc 9,31) 1. Luôn tồn tại sự đối kháng giữa kẻ gian ác và người công chính. Và nhiều khi sự đối kháng ấy có vẻ như thuận chiều về phía những kẻ gian ác. Điều ấy sẽ khiến cho người công chính cảm thấy thiệt thòi, mất mát, thậm chí phải trả giá, phải hy sinh để trung tín với tư cách người công chính của mình. Trong bối cảnh của một xã hội vàng thau lẫn lộn, những giá trị phi đạo đức lại được nhiều người đồng tình và rập khuôn vào lối sống hằng ngày của mình, thì lời mời gọi sống thân phận người công chính liệu có còn trở nên hấp dẫn cho mỗi Kitô hữu khi để sống đúng tư cách này đòi buộc phải ‘lội ngược dòng’. 2. ‘Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.’ Lời thánh Giacôbê là một lý giải rõ nét nguyên nhân của sự nghèo nàn, của những lời cầu đã không được nhận lời nơi đời sống của mỗi người Kitô hữu. Như thế, việc cầu xin với Chúa mỗi ngày chiếm một chỗ đứng quan trọng trong nhịp sống của người tín hữu; và một lời cầu xin chỉ có thể là đúng mực khi nó được đi đôi với một ý hướng hoàn toàn ngay lành. 3. Trong đoạn Phúc âm, Chúa Giêsu đã báo tin lần thứ hai cho các môn đệ về cuộc khổ nạn Ngài sắp chịu, và không chỉ là loan báo mà ít thời gian sau đó chính Chúa đã vui lòng trả giá bằng cái chết để sống đúng tư cách của một người công chính. Như thế, để có được tư cách người công chính đòi mỗi người phải trả một giá mà cái giá đắt nhất phải trả, trong trường hợp của Chúa Giêsu, chính là cái chết. Mỗi Kitô hữu cũng được mời gọi để trả giá cho tư cách người công chính của mình. Cái giá phải trả của mỗi người có thể là khác nhau trong từng hoàn cảnh, nhưng điều chung nhất cho mỗi người là ai cũng phải trả giá và trả giá mỗi ngày.

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Thứ Bảy tuần XXIV thường niên - 22/09/12

Dụ ngôn người gieo giống Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm (Lc 8,8) Suy niệm: Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta dụ ngôn về người gieo giống. Trước hết, cần lưu ý đến sự khác biệt giữa dụ ngôn và những lời giải thích dụ ngôn. Khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu xem ra nhấn mạnh đến sự hiệu nghiệm của hạt giống hay đúng hơn sự thành công của người gieo giống: có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá, có hạt rơi vào bụi gai, nhưng cũng có hạt rơi trên đất tốt và sinh hoa kết quả ngập tràn. Còn khi giải thích dụ ngôn cho các môn đệ. Chúa Giêsu như muốn nhấn mạnh đến thái độ cộng tác của con người để làm cho Lời Chúa được sinh hoa kết quả. Thật ra, hai khía cạnh này không đối nghịch nhau, nhưng được tổng hợp để diễn tả thực tại phong phú của mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa chắc chắn được phát triển, nhưng phần cộng tác của con người trong việc phát triển Nước Chúa cũng không thể bỏ qua được. Hạt giống Lời Chúa là yếu tố chính của dụ ngôn. Hạt giống này tự nó có sức trổ sinh hoa trái, nhưng khi được gieo vãi thì gặp những hoàn cảnh đối nghịch tùy vào thái độ chấp nhận cộng tác của con người lãnh nhận Lời Chúa. Người gieo giống ở đây là chính Thiên Chúa, Ngài gieo vãi khắp nơi, trao ban nhưng không ơn cứu rỗi cho mọi người. Thiên Chúa có sáng kiến trước, nhưng con người cũng cần cộng tác vào: hai yếu tố này không thể bỏ qua được. Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta canh tân đời sống, cộng tác với ơn Chúa ban để trở thành những mảnh đất tốt đón nhận và làm phát triển hạt giống Lời Chúa. Xin Chúa củng cố chúng ta trong niềm xác tín đó. Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã không ngần ngại gieo xuống thửa đất tâm hồn chúng con những hạt giống tốt; hạt giống yêu thương, hạt giống hy vọng, hạt giống bác ái, hạt giống hy sinh, hạt giống khiêm tốn…Và Chúa luôn mong ước tất cả sẽ được trổ sinh bông hạt. Nhưng Chúa biết đó, cuộc sống thực tế chúng con đã làm cho hạt bị chết nghẹt hoặc bị bị ngột ngạt vì thiếu sự chăm sóc. Xin Chúa thêm ơn để chúng con luôn biết vun đắp cho mảnh đất tâm hồn mình, để những gì Chúa đã gieo sẽ được trổ sinh hoa trái.

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI-Lễ thánh Matthêu Tông đồ - 21/09/12

Lời mời gọi yêu thương Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi (Mt 9,13) Suy niệm: Thánh Matthêu tường thuật về việc Chúa Giêsu kêu gọi chính ông: - Ông là một người thu thuế tội lỗi. - Chính Chúa Giêsu là người đi bước trước tới với ông: “Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy… Ngài phán bảo ông…” - Bởi thế ông rất mừng và nhanh chóng đáp lời: “Ông đứng dậy và đi theo”. - Ông mừng đến nỗi ngay sau đó mở tiệc khoản đãi Chúa Giêsu và các bạn thu thuế của mình. - Qua kinh nghiệm này, Matthêu hiểu Chúa Giêsu là thầy thuốc của những kẻ tội lỗi bệnh tật linh hồn: “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính nhưng để kêu gọi người tội lỗi”. Bản thân tôi cũng là một người tội lỗi đã được Chúa thương kêu gọi đi theo Ngài. Lẽ ra tôi phải luôn nhớ mãi hồng ân ấy và cũng quảng đại với những người tội lỗi như tôi. Thế nhưng hình như khi tôi được Chúa gọi rồi thì tôi liền quên ngay chuyện đó. Tôi tự coi mình là công chính và lên mặt khó chịu với những kẻ tội lỗi. Tôi không muốn Chúa kêu gọi thêm người tội lỗi nào nữa cả. Trước lúc Chúa gọi, Matthêu “ngồi” (tư thế không muốn thay đổi) tại “bàn thu thuế” (môi trường sống tội lỗi). Nhưng ngay khi được Chúa gọi, ông đã nhanh chóng “đứng dậy” và “đi theo”. Thái độ này biểu lộ một sự dứt khoát thay đổi, một hành trình mới. Chúa Giêsu là Thầy thuốc chữa trị những nỗi đau của con người. Ngài đến là nhằm kêu gọi những kẻ tội lỗi. Ngài bảo “Ta muốn lòng nhân”. Bây giờ tôi là đại diện của Chúa. Tôi phải sống và cư xử thế nào để người ta hiểu Chúa của tôi là như thế? Tôi thấy có cần sửa đổi hay điều chỉnh gì không trong cách sống và cư xử của tôi? “Đức Giêsu bảo Mátthêu: “Anh hãy theo tôi”. Ông đứng dậy đi theo Ngài” (Mt 9,9) Lịch sử cho thấy lòng cảm thông và tha thứ của Thiên Chúa được thể hiện qua không biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ của Ngài với các tội nhân cũng như những bài dụ ngôn của Ngài. Tha thứ thiết yếu có nghĩa là tạo ra một cơ may cho người khác. Với người thu thuế tên là Lêvi, Chúa Giêsu đã kết nạp ông vào hàng ngũ các môn đệ của Ngài. Với Gia kêu, thủ lãnh của những người thu thuế, Ngài đã đến tận nhà viếng thăm. Với người đàn bà phạm tội ngoại tình, Ngài đã nói với tất cả tâm tình trìu mến: Chị hãy về, và đừng phạm tội nữa. Với Phêrô, người môn đệ thân tín phản bội, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn với tất cả cảm thông và thương mến. Lời mời gọi của Chúa vẫn luôn vang vọng và tha thiết: “Hãy theo Ta”. Tâm tình đáp trả còn tùy thuộc ở thái độ của mỗi người chúng ta. Cầu nguyện: Lạy Chúa, đã bao lần Chúa mời gọi con “Hãy theo Ta”, vậy mà con vẫn cứ chần chừ: “để con tính lại đã”. Thánh Mátthêu đã không ngần ngại, không chút do dự bước đi theo Chúa khi được gọi “Hãy theo Ta”. Xin Chúa ban cho con sức mạnh và lòng can đảm, để con thắng được vật chất, thắng được chính thân xác của con, để con bước đi theo Ngài luôn mãi. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết luôn mặc lấy tâm tình của Chúa, để trong mọi gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày, chúng con luôn biết nhận ra hình ảnh của Chúa trong mỗi người. Amen

CHÚA NÓI VỚI TÔI - Thứ Năm tuần XXIV thường niên - 20/09/12

Lòng sám hối Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an (Mt 7,50 Suy niệm: Tin Mừng hôm nay ghi lại một phiên tòa; phiên tòa này không có luật sư biện hộ, không có bản án được đọc lên, nhưng kẻ được ân xá ra về với bình an trong tâm hồn. Có được bình an trong tâm hồn là điều quí giá nhất Chúa Giêsu mang lại cho con người. Nhưng để có được bình an ấy, điều kiện tiên quyết là con người phải có lòng sám hối. Sám hối vốn là nội dung chủ yếu trong sứ điệp của Chúa Giêsu. Lời đầu tiên của Ngài khi bắt đầu sứ vụ công khai là “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Ngài đến để khơi dậy lòng sám hối của con người. Ngài đến là để hòa giải tội nhân với Thiên Chúa. Cái chết của Ngài trên Thập Giá không phải là cái chết của nhà cách mạng hay chính trị gia, mà thiết yếu là để đền bù tội lỗi con người. Người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay đã nhận ra sự cần thiết của sám hối. Bất chấp những lời dị nghị, bất chấp sự khinh bỉ của người xung quanh, bà đã thể hiện một cách chân thành và trọn vẹn lòng sám hối của mình. Chúa Giêsu đã nói lên ý nghĩa hành động của người phụ nữ như sau: “Bà đã được tha nhiều, vì bà đã yêu mến nhiều.” Càng cảm nhận được ơn tha thứ, con người càng được thôi thúc thể hiện lòng yêu mến nhiều hơn. Lịch sử Giáo Hội được tô điểm bằng lòng sám hối thể hiện qua tình mến. Cuộc đời của bất cứ vị thánh nào cũng đều bắt đầu bằng lòng sám hối, nghĩa là ý thức sâu xa về tội lỗi của mình. Có lẽ không ai ý thức được hành động phản bội của mình cho bằng Giuđa, nhưng ý thức ấy chưa hẳn là sám hối. Phêrô cũng đã chối Thầy, nơi Ngài lòng sám hối không chỉ dừng lại ở ý thức tội lỗi, nhưng đã biến thành tình yêu thương; Phêrô đã nói lên lòng sám hối bằng ba lần thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa.” Người ta thường nói đến cuộc khủng hoảng về đức tin. Trong thực tế, khủng hoảng đức tin cũng chính là khủng hoảng về lòng sám hối. Khi con người đánh mất ý thức về tội lỗi, con người cũng không còn cảm nhận được thế nào là ơn tha thứ của Chúa. Và dĩ nhiên cũng đánh mất sự cảm thông và tha thứ đối với người khác. Thái độ khoan nhượng của con người chỉ xuất phát từ ý thức về nỗi bất toàn và sự tha thứ mà mình cảm nhận được. Xét cho cùng, bác ái chính là hoa trái của lòng sám hối: càng cảm thấy mình được yêu thương và tha thứ, con người càng được thúc đẩy để tha thứ và yêu thương. Cầu nguyện: Nguyện xin Chúa nung nấu tâm tình sám hối đích thực nơi chúng con và ban cho chúng con niềm bình an nội tâm, để chúng con cũng biết chia sẻ niềm bình an ấy với mọi người bằng cảm thông, tha thứ, và những thể hiện của bác ái.

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Thứ Ba tuần XXIV thường niên - 18/09/12

Ý nghĩa của cuộc sống Đức Giêsu nói: "Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” (Lc 7,14) Suy niệm: Trong cuộc sống công khai, chắc chắn Chúa Giêsu đã chứng kiến nhiều cái chết cũng như tham dự nhiều đám tang. Nhưng việc Ngài làm cho kẻ chết sống lại được Tin Mừng ghi lại không quá ba lần: một em bé gái con của vị kỳ mục trong dân; Lazarô em trai của Marta và Maria; người thanh niên con của bà góa thành Naim. Cả ba trường hợp chỉ là hồi sinh, chứ không phải là phục sinh theo đúng nghĩa, bởi vì cuộc sống của những người này chỉ kéo dài được thêm một thời gian nữa, để rồi cuối cùng cũng trở về với bụi đất. Chúa Giêsu đã không đến để làm cho con người được trường sinh bất tử ở cõi đời này. Đúng hơn, Ngài đưa con người vào cuộc sống vĩnh cửu. Nhưng để đi vào cuộc sống vĩnh cửu thì điều kiện tiên quyết là con người phải kinh qua cái chết. Chết vốn là thành phần của cuộc sống và là một trong những chân lý nền tảng nhất mà Chúa Giêsu đến nhắc nhở con người. Mang lấy thân phận con người là chấp nhận đi vào cái chết. Chính Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi số phận ấy. Thánh Phaolô đã nói về thái độ của Chúa Giêsu đối với cái chết: "Ngài đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thập giá". Ðón nhận cái chết và đi vào cõi chết như thế nào để cuộc sống có ý nghĩa, đó là điều Chúa Giêsu muốn bày tỏ cho con người khi đi vào cái chết. Một trong những cái chết vô nghĩa và do đó cũng chối bỏ ý nghĩa cuộc sống, đó là tự tước đoạt sự sống của mình. Những cái chết như thế là lời tự thú rằng cuộc sống không có, cuộc sống không còn ý nghĩa và như vậy không còn đáng sống. Jean Paul Sartre, người phát ngôn của cả thế hệ không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, đã viết trong tác phẩm "Buồn Nôn": "Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ngồi đây ăn uống là để bảo tồn sự quí giá của chúng ta, nhưng kỳ thực, không có gì, tuyệt đối không có lý do gì để sống cả". Chúa Giêsu đã vâng phục cho đến chết. Ðón nhận cái chết, Ngài đã thể hiện cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống sung mãn, Ngài đã chứng tỏ cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống có ý nghĩa và đáng sống. Ðón nhận cái chết như ngõ đón vào vinh quang phục sinh, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điểm đến và vinh quang đích thực, đó là sự sống vĩnh cửu. Ngài đã vâng phục cho đến chết. Vâng phục của Ngài là vâng phục trong tin tưởng, phó thác, trong khiêm tốn và yêu thương; đó là điều mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và làm cho cuộc sống trở thành đáng sống. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, là con người với sự yếu đuối và bất lực trước những đau khổ, bế tắc của chính mình, của cuộc sống. Xin Chúa luôn ở với chúng con, quan phòng và săn sóc chúng con trong tình yêu của Chúa. Như con trai bà góa đã được sống lại, xin cho chúng con được tái sinh trong tình yêu và Thánh Thần, để từ cuộc sống hiện tại, chúng con bắt đầu đi vào cuộc sống vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa. Amen

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

CHUÁ NÓI VỚI TÔI- Lễ Suy tôn Thánh Giá - 14/09/12

Giải nghĩa yêu thương

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một (Ga 3,16)

Suy niệm: 

Loài người càng tội lỗi Chúa càng yêu thương, yêu thương đến nỗi trao ban hết những gì thuộc về mình là Người Con duy nhất. Tình thương ấy được cụ thể hóa bằng việc Chúa Giêsu đã chịu treo trên thập giá. Trên thập giá Chúa đã giải nghĩa yêu thương. Một tình yêu quá cao vời vượt quá sức mường tượng của con người. Thế nên chỉ có hành động, những hy sinh cụ thể mới cảm hóa được lòng người hầu mong cứu họ thoát khỏi cảnh tội lỗi. Chính vì thế, thập giá đã trở thành Thánh Giá; Thánh Giá trở thành biểu tượng tình yêu cứu độ, biểu tượng của sự sống, của vinh quang. Vì thập giá được đón nhận trong tình yêu thì thập giá sẽ trở thành Thánh Giá.
Mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá là dịp nhắc nhớ mỗi chúng ta hãy tạ ơn tình Chúa cao vời. Đồng thời nhắc chúng ta cũng biết sống hy sinh cho tha nhân, hy sinh vì những lý tưởng cao đẹp, hy sinh chịu thiệt thân để bảo vệ đức tin. Và nhất là hãy biết yêu người như Chúa yêu ta.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xưa Chúa đã dùng thập giá để cứu chuộc chúng con. Chúa cũng có thể cứu chúng con bằng những phương thế khác. Nhưng Chúa đã không chọn cách nào khác ngoài việc chết trên thập giá. Và như thế chúng con mới hiểu được Chúa yêu chúng con đến cùng. Chúa đã mang lại cho thập giá một ý nghĩa mới: ý nghĩa của tình yêu trọn hảo. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con cũng biết đón nhận thập giá của bản thân với tron vẹn tâm tình yêu thương: Yêu Chúa và yêu mọi người, để tình Chúa luôn mãi ở trong con. Và cuộc đời con luôn diễn tả tình yêu Chúa.

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Thứ Ba tuần XXIII thường niên- 11/09/12

Chúa chọn nhóm mười hai

Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa (Lc 6,12)

Suy niệm: 
Lịch sử ơn cứu rỗi khởi đầu và tiếp diễn bằng những cuộc tuyển chọn. Ở khởi đầu lịch sử này, từ trong đám dân du mục vô danh tại miền Lưỡng Hà Địa. Thiên Chúa đã chọn Abraham; trong những người con của ông, Ngài chỉ chọn Isaac, và trong những người con của Isaac, Ngài chỉ chọn Yacob làm người cha của mười hai chi tộc Israel. Để thực hiện cuộc giải phóng con cái Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, Ngài đã chọn Môsê làm thủ lãnh. Sau khi Israel đã được Ngài chọn làm dâu riêng và qua đó thực thi chương trình cứu rỗi, Thiên Chúa cũng tiếp tục một đường hướng: Ngài chọn lựa một số người và trao cho họ một trách vụ đặc biệt: Ngài đã chọn Đavít làm vua để thay thế cho Saul; Ngài đã chọn một số người làm ngôn sứ cho Ngài.
Tất cả những chọn lựa của Thiên Chúa đều bất ngờ, nghĩa là vượt lên trên những tiêu chuẩn chọn lựa thông thường của con người. Từ Abraham qua Môsê, đến các ngôn sứ Đavít, tất cả đều được chọn lựa không phải vì tài năng đức độ riêng của họ: Môsê chỉ là một người ăn nói ngọng nghịu, Đavít là cậu bé kém cỏi nhất trong số anh em của mình, Yêrêmia, Isaia đều nhận nỗi bất lực yếu hèn của mình khi được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ.
Tiếp tục đường lối của Thiên Chúa, Chúa Giêsu cũng đã chọn các môn đệ của Ngài theo những tiêu chuẩn bất ngờ nhất. Mười hai Tông đồ được Ngài chọn làm cộng sự viên thân tín nhất và đặt làm cột trụ Giáo hội, không phải là bậc tài ba xuất sắc, cũng không phải là thành phần ưu tú thuộc giai cấp thượng lưu trong xã hội; trái lại họ chỉ là những dân chài quê mùa dốt nát miền Galilê, có người xuất thân từ hàng ngũ thu thuế tức là hạng người thường bị khinh bỉ.
Thánh Luca đã ghi lại một chi tiết rất ý nghĩa trong việc lựa chọn của Chúa Giêsu: Ngài đã cầu nguyện suốt đêm. Không ai biết rõ nội dung, nhưng sự liên kết với Thiên Chúa trong cầu nguyện và việc chọn lựa cho thấy tính cách nhưng không của ơn gọi: Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài và sự lựa chọn đúng không dựa vào tài đức của con người. Chúa Giêsu đã cầu nguyện bởi vì Ngài biết rằng tự sức riêng, con người không thể làm được gì. Phêrô đã cảm nghiệm thế nào là sức riêng của con người khi ông chối Chúa ba lần: sự đào thoát của các môn đệ trong những giờ phút nguy cập nhất của cuộc đời Chúa, và nhất là sự phản bội của Giuđa, là bằng chứng hùng hồn nhất của sức riêng con người. Bỏ mặc một mình, con người chỉ chìm sâu trong vũng lầy của yếu đuối và phản bội.
Từ mười hai người dân chài thất học, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo hội của Ngài. Nền tảng của một Giáo hội không phải là sức riêng của con người, mà là sức mạnh của Đấng đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Chính sự hiện diện sinh động và ơn thánh của Ngài mới có thể làm cho Giáo hội ấy đứng vững đến độ sức mạnh hỏa ngục không làm lay chuyển nổi. Thánh Phaolô, người đã từng là kẻ thù số một của Giáo hội cũng đã bất thần được Chúa Giêsu chọn làm Tông Đồ cho dân ngoại. Ngài luôn luôn cảm nhận được sức mạnh của ơn Chúa: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”, hoặc “Nếu phải vinh quang, thì tôi chỉ vinh quang về những yếu đuối của tôi mà thôi, vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh”.
Suy niệm về việc Chúa Giêsu tuyển chọn mười hai Tông Đồ của Ngài, chúng ta được mời gọi nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta, đồng thời nói lên niềm tín thác của chúng ta vào tình yêu của Ngài. Chỉ có một sức mạnh duy nhất để chúng ta nương tựa vào, đó là sức mạnh của ơn Chúa. Với niềm xác tín đó thì dù phải trải qua lao đao thử thách, chúng ta vẫn luôn hy vọng rằng tình yêu của Chúa sẽ mang lại những điều thiện hảo cho chúng ta.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, việc Chúa chọn gọi mười hai Tông Đồ cho thấy ơn gọi khởi đi từ chính Chúa. Chúa đã khơi dậy nơi mỗi con người một sứ mạng kèm theo những ơn ban cần thiết. Xin cho mỗi chúng con biết sống và thi hành đúng sứ mạng của mình, sống xứng đáng với ơn Chúa ban.


Đọc bài suy niệm Tin Mừng ngày hôm nay, con cảm thấy vô cùng ý nghĩa. 
Vâng! Quả thật càng ngày con càng cảm nhận sâu xa về sứ mạng mà mình lãnh nhận cùng với những ân ban của Thiên Chúa. Con chỉ biết cảm tạ tình thương của Chúa đã  dành cho con.

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Thứ Hai tuần XXIII thường niên - 10/09/12

Cốt lõi của đạo

Đức Giêsu nói với họ: "Tôi xin hỏi các ông: ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” (Lc 6,9)

Suy niệm: 
Văn hào Nga Léon Tolstoi có kể câu truyện ngụ ngôn như sau: Một ông chủ nọ cho các gia nhân một công việc và bảo họ chỉ chu toàn công việc ấy mà thôi. Ông hứa sẽ thưởng công cho họ, nếu họ làm tốt công việc. Lúc mới bắt tay vào việc, ai cũng muốn làm vừa lòng ông chủ, cho nên để hết tâm trí vào công việc được giao, mà cũng chẳng màng tới phần thưởng ông chủ đã hứa. Cuối cùng, tưởng mình đã có thể tự túc với công việc của mình, họ cũng gạt luôn ông chủ ra khỏi cuộc sống của họ. Léon Tolstoi đưa ra kết luận: Người ta thường thấy một thái độ như thế nơi các Kitô hữu; họ thay thế đạo của tình thương bằng vô số những nghi lễ trống rỗng vô hồn.
Nhiều người Do Thái thời Chúa Giêsu, nhất là các thành phần lãnh đạo trong dân cũng có lối hành đạo tương tự. Thật ra, đạo của mạc khải Do Thái Giáo cốt yếu cũng là đạo của tình thương; thế nhưng trong thực tế, cái cốt lõi ấy thường bị quên lãng để nhường chỗ cho biết bao nghi thức trống rỗng vô hồn; người ta sẵn sàng loại trừ tha nhân và chối bỏ tình thương để tuân giữ những nghi thức và luật lệ vô hồn.

Chúa Giêsu đã đến và đưa con người trở lại cái cốt lõi của đạo. Tin Mừng hôm nay ghi lại một nỗ lực của Chúa Giêsu nhằm nhắc nhở cho người Do Thái về cái cốt lõi ấy của đạo được thể hiện qua lề luật. Một trong những khoản quan trọng của lề luật chính là ngày Hưu Lễ, Chúa Giêsu đã không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn lề luật, và kiện toàn lề luật chính là mặc cho nó tinh thần và ý nghĩa của yêu thương; không có tình thương lề luật chỉ còn là một cái xác không hồn. Như vậy, kiện toàn luật giữ ngày Hưu Lễ chính là biến ngày đó thành ngày tôn vinh Thiên Chúa, không gì đúng đắn và xứng hợp hơn để tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Hưu lễ cho bằng thể hiện tình thương đối với tha nhân. Chính trong ý nghĩa ấy mà Chúa Giêsu đã chữa lành một người có bàn tay khô bại trong ngày Hưu Lễ. Lề luật là một thể hiện ý muốn của Chúa, và ý muốn của Chúa không gì khác hơn là con người được sống, và sống dồi dào, sung mãn chính là sống yêu thương. Như vậy chu toàn lề luật trước tiên là sống yêu thương.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Đọc kinh, dự lễ, tham gia sinh hoạt giáo xứ mà không sống yêu thương, điều đó có thật sự là sống đạo chưa? Sống đạo đích thực là sống yêu thương: một lời kinh đích thực phải phát xuất từ cõi lòng rộng mở yêu thương; một của lễ đẹp lòng Chúa phải là một nghĩa cử yêu thương dành cho tha nhân. Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta mỗi ngày thêm thấm nhuần cái cốt lõi của đạo là yêu thương.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, đời sống chung thường làm cho chúng con ganh tỵ và hiềm thù lẫn nhau. Chúng con dò xét, rình rập tội người khác thì giỏi mà chẳng bao giờ chịu nhìn lại chính mình. Chúng con bắt lỗi nhau thì nhiều mà chẳng thấy cảm thông nâng đỡ nhau. Cây muốn lành mà gió chẳng yên. Ai cũng muốn bình yên nhưng chúng con lại cứ thổi vào nhau những bỏ vạ cáo gian, những chua cay tị hiềm. Ai cũng muốn hạnh phúc nhưng mấy ai dám ra đi chung xây hạnh phúc cho tha nhân. Lạy Chúa, là Đấng thấu suốt mọi sự, xin cho chúng con biết noi gương Chúa trong cách hành xử, để chúng con cảm thông nâng đỡ lẫn nhau. Xin cho chúng con biết tôn trọng đời sống riêng tư của mỗi người để cuộc sống chung là niềm vui, là hạnh phúc thay cho những bất hòa khổ đau. Amen

Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI-Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria -08/09/2012

Với ơn Chúa

Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần (Mt 1,18)

Suy niệm: 
Đoạn Tin Mừng này (và toàn bộ Tân Ước) không cung cấp cho chúng ta những chi tiết cần thiết để chúng ta biết lý lịch của Đức Maria, chỉ có vài sự kiện liên quan tới Chúa Giêsu:
- Người là Mẹ của Chúa Giêsu;
- Người thụ thai Chúa Giêsu bởi phép Chúa Thánh Thần;
- Người được Thánh Giuse đón về nhà để chăm sóc.

Từ việc Thánh Kinh không quan tâm tới lý lịch Đức Maria, chúng ta có thể hiểu rằng: Maria chỉ là một con người tầm thường, sở dĩ Người được nên cao trọng là hoàn toàn do vận mạng của Người đã gắn liền với vận mạng của Chúa Giêsu.
Một khối đá chẳng là gì cả, nhưng nếu nó được giao trong tay một nhà điêu khắc tài ba thì nó sẽ trở thành một kiệt tác nghệ thuật. Con người cũng chẳng là gì cả, nhưng nếu để cho Chúa hướng dẫn đời mình thì người đó sẽ trở thành một kiệt tác của Chúa. Đức Maria là như thế.
Có những người sinh ra trên đời đã thực sự là một diễm phúc cho đời, chẳng hạn Đức Maria. Nếu không có Mẹ thì công trình cứu độ của Thiên Chúa đã không được thực hiện như thế. Có những người khác sinh ra chỉ làm hại cho đời, “thà nó đừng sinh ra thì hơn”.
Trong đoạn Tin Mừng này, số phận Đức Maria đang như ngàn cân treo sợi chỉ: nếu thánh Giuse rước Người về nhà thì mọi việc khác được giải quyết êm thắm, nhưng nếu thánh Giuse tố giác Người thì Người sẽ bị ném đá. Thế mà chúng ta không thấy Người làm gì và nói gì cả. Người phó thác mọi sự cho Thiên Chúa. Thiên Chúa đã trao sứ mạng cho Người mang thai Ngôi Hai thì Thiên Chúa sẽ lo liệu cho Người.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin ban thêm cho con tinh thần phó thác trong khi thi hành nhiệm vụ Chúa trao. Xin cho con biết rằng việc con sinh ra trên đời này là để đem lại lợi ích cho anh chị em con. Xin Chúa và Đức Mẹ giúp con biết để cho Chúa sử dụng con như xưa Ngài đã sử dụng Đức Mẹ. Phó thác hoàn toàn với lòng yêu mến.

Bài Tin Mừng thật ý nghĩa với con. Lạy Chúa con tin, chỉ với Chúa và trong Chúa mà con sẽ làm được tất cả và sẽ hoàn thành sứ mạng mà Chúa đã giao. Xin cám tạ ơn Chúa.
 

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Thứ Sáu tuần XXII thường niên - 07/09/12

Dứt khoát tận căn

Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới (Lc 5,38)

Suy niệm: 
Kỷ luật hay cách sống Chúa Giêsu đề ra cho các môn đệ Ngài khiến nhiều người khó chịu. Ngài và các môn đệ sống theo một lề lối hoàn toàn khác với những tuân giữ của những người Biệt phái và ngay cả với Gioan Tẩy Giả: trong khi Gioan Tẩy Giả và các người Biệt Phái tuân giữ một số ngày chay tịnh trong tuần, thì các môn đệ Chúa Giêsu xem chừng không biết thế nào là chay tịnh.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để biện minh cho thái độ ấy. Trước hết, Ngài nói đến sự hiện diện của Tân Lang: bao lâu Tân Lang còn đó, thì việc chay tịnh được miễn chuẩn. Trong Cựu ước, việc giữ chay gắn liền với việc mong đợi Đấng Cứu Thế. Chay tịnh là thể hiện của lòng mong đợi. Gioan Tẩy Giả đã lấy chay tịnh làm qui luật cơ bản cho cuộc sống của ông và của các môn đệ. Như vậy khi miễn luậtcác môn chước cho các môn đệ của Ngài khỏi chay tịnh. chước cho các môn đệ của Ngài khỏi chay tịnh, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Đấng Cứu Thế, họ không còn phải mong đợi gì nữa; thời cứu thế đã đến, con người không còn phải chay tịnh; trái lại, họ phải vui mừng hoan hỉ.
Dụ ngôn thứ hai Chúa Giêsu đưa ra để giải thích tại sao các môn đệ Ngài không phải giữ chay, đó là hình ảnh chiếc áo mới và rượu mới: Không nên lấy áo cũ mà vá áo mới, không nên đổ rượu mới vào bầu da cũ. Dĩ nhiên, ở đây Chúa Giêsu không có ý bảo rằng cái mới thì đương nhiên tốt hơn cái cũ; Ngài không có ý so sánh cho bằng đưa ra một sự bất tương hợp.
Bài học thật rõ ràng: không nên có thái độ nước đôi hoặc thỏa hiệp, mà phải dứt khoát tận căn. Bài học này được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần khi nêu ra những điều kiện để vào Nước Trời: “Hãy bán tất cả, bố thí cho người nghèo, rồi đến theo Ta”, “Ai cầm cày mà còn ngó lại sau, thì không xứng với Nước Thiên Chúa”, “Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không xứng đáng làm môn đệ Ta”. Tựu trung, vì Ngài, con người phải chấp nhận hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống mình.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại niềm tin cơ bản trong cuộc sống hàng ngày. Thỏa hiệp vốn là cơn cám dỗ triền miên trong cuộc sống đạo của chúng ta: Muốn làm môn đệ Chúa Kitô, nhưng lại đeo đuổi những gì nghịch với Tin Mừng; đi theo Chúa Kitô, nhưng lại không muốn sống theo giáo huấn của Ngài; muốn là thành phần của Giáo Hội, nhưng lại chống báng Giáo Hội. Thỏa hiệp để được cả đạo lẫn đời. Như thế cũng chỉ là đánh mất bản thân mà thôi. Lời sách Khải Huyền đáng được chúng ta suy nghĩ: Thà ngươi lạnh hay nóng hẳn đi; nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta mửa ngươi ra khỏi miệng.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin Chúa nâng đỡ đức tin chúng con, để chúng con vững vàng bước đi theo Chúa, làm môn đệ Chúa với một đức tin tinh tuyền và làm chứng cho mọi người xung quanh.

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Thứ Năm tuần XXII thường niên- 06/09/12


Đừng sợ (Lc 5,10)

Suy niệm: 
Ý nghĩa của mẻ cá và ơn gọi của các môn đệ đầu tiên được Luca ghi lại trong Tin mừng hôm nay sẽ được sáng tỏ, nếu chúng ta nắm bắt được quan niệm của người Do thái về biểu tượng của nước, nhất là của biển cả. Người Do thái tin rằng biển cả là nơi cư ngụ của Satan và những lực lượng chống đối Thiên Chúa. Trong niềm mong đợi chung, người Do thái tin rằng chỉ có Đấng cứu thế được Thiên Chúa sai đến mới có đủ quyền để chế ngự biển cả và giải thoát tất cả những ai đang bị chôn vùi trong đó.
Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ thấy được quyền năng giải thoát của Ngài khi thực hiện mẻ cá lạ lùng trước mặt các ông. Chiếc lưới được thả vào lòng biển khơi để vớt cá lên, đó là hình ảnh của công cuộc cứu thoát mà Ngài đang thực hiện. Ngài đến là để lôi kéo con người khỏi vực sâu của tội lỗi và sự dữ. Chính trong ý nghĩa ấy, Chúa Giêsu dùng kiểu nói: “đánh lưới người” mà Ngài sẽ trao phó cho các môn đệ và Giáo hội mà Ngài sẽ thiết lập, trở thành ngư phủ đánh luới người có nghĩa là tham dự vào công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu.
Qua mẻ cá lạ lùng, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng tự sức họ, họ không thể làm được gì. Thánh Phêrô đã ý thức được điều đó: “Chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả”. Thánh Phêrô không chỉ còn nói lên cái giới hạn bất toàn của con người, mà còn nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình: “Lạy thầy, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Ý thức về thân phận ấy và sống cho đến cùng thân phận ấy là cả một cuộc chiến đấu gam go. Hơn ai hết, thánh Phêrô đã cảm nghiệm được sự yếu đuối mỏng giòn của con người khi chối Thầy; cả cuộc đời ngư phủ đánh lưới người Phêrô chỉ trở thành hữu hiệu với ý thức ấy. Càng thấy mình yếu hèn, con người càng trở nên hữu hiệu trong quyền năng của Chúa. Ra đi tản mát khắp nơi để trở thành ngư phủ đánh lưới người, tất cả môn đệ đều nhớ lại bài học của mẻ cá lạ ấy và tâm niệm lời Chúa Giêsu: “Không có Thầy, các con không làm được gì”.
“Ông Simon nói: Thưa Thầy chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào Lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5,5)
"Hãy cho tôi mượn một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất này lên.” Nếu như Archimède dám khẳng định như vậy thì tại sao tôi lại không dám xác tín rằng: dựa vào Chúa Giêsu, Đấng đã dám hiến mạng vì tình yêu, tôi có thể chinh phục mọi tâm hồn?
Như Simon đã dựa vào Lời Chúa mà thả lưới và bắt được mẻ cá lớn, thì tôi cũng có thể chinh phục mọi tâm hồn cho Chúa một khi tôi biết dựa vào quyền năng của Chúa hơn là sức mạnh của riêng mình.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng nhìn vào tác động của Chúa qua Giáo hội. Ngài vẫn hiện diện trong con thuyền Giáo hội, và ngoài mọi suy nghĩ, tính toán của chúng ta. Ngài vẫn tiếp tục thực hiện những điều cả thể, ngay cả những lúc Giáo hội tưởng mình bị bó tay không làm được gì. Lời nhắn nhủ của Đức Hồng Y Etchegaray đáng cho chúng ta suy nghĩ: Người ta dễ chú ý đến tiếng động của cây rừng ngã đổ, mà lại quên đi âm thanh nhỏ bé của những mầm non đang mọc lên. 
Cầu nguyện: 
Nguyện xin Chúa củng cố chúng con trong niềm tin vững mạnh vào sự hiện diện và tác động của Chúa trong Giáo Hội. Xin Ngài ban cho chúng con đôi mắt tin tưởng bén nhạy để nhận ra biết bao điều cả thể Ngài đang thực hiện trong những biến cố âm thầm mất mát, thua thiệt của Giáo hội.

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI-Thứ Tư tuần XXII thường niên -05/09/12

Chữa trị bệnh tật



Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa (Lc 4,43)

Suy niệm: 
“Chúng ta hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa” đó là lời phát biểu của Mẹ Têrêsa Calcutta để gián tiếp chấp nhận lời yêu cầu của một số ký giả và những người làm phim muốn làm một cuốn phim tài liệu trình bày những công việc từ thiện do Mẹ và các Nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái thực hiện. Từ mấy chục năm nay, tinh thần và tình yêu của Mẹ Têrêsa đối với những người đau khổ bệnh tật đã được lan ra khắp nơi trên thế giới, như một tiếp tục công tác chính Chúa Giêsu đã thực hiện mà chúng ta có thể đọc thấy trong Tin Mừng hôm nay.
Phần cuối của bài Tin Mừng này khiến tôi hơi thất vọng: những người khốn khổ vẫn bám theo Chúa Giêsu, “Họ cố cầm giữ người lại,” nhưng Ngài bỏ họ mà đi, vì “còn phải rao giảng Tin Mừng cho những thành khác.”

Nhưng tôi đã hiểu: Chúa không nhắm cứu chữa hết tất cả phần xác; bởi vì đã mang thân xác tất phải đau khổ, trần gian là thế!; nhưng Ngài nhằm đem lại cho nhân loại Tin Mừng, một thứ thuốc tiên giải thoát những đau khổ tinh thần.
“Đến sáng ngày, Ngài ra đi vào hoang địa”: Đó là lúc Chúa Giêsu múc lấy nguồn lực cho tất cả những hoạt động nhộn nhịp suốt cả ngày. Ngài múc lấy nguồn lực từ việc cầu nguyện. Nơi Chúa Giêsu, cầu nguyện và hoạt động được phối hợp rất quân bình, không phải vì bận việc mà Ngài bỏ cầu nguyện. Trái lại, càng làm nhiều việc thì Ngài lại cầu nguyện nhiều hơn.
Thuật lại biến cố Chúa Giêsu chữa bệnh bà mẹ vợ ông Simon và nhiều người khác, thánh sử Luca đã ghi: “Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người nhà đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, tật nguyền, đều đưa tới Ngài, Ngài đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa lành họ”. Những dòng kế tiếp cho thấy Chúa Giêsu có uy quyền trên sự dữ. Ở đây sự dữ xuất hiện dưới hai hình thức: bệnh tật và ma quỉ. Chúa Giêsu ra lệnh và quở mắng để chế ngự, nhưng Ngài không tiêu diệt chúng. Ngoài ra, trong nhiều cơ hội khác, Chúa Giêsu làm gương bằng sự ân cần của Ngài đối với các bệnh nhân, kể cả những người mang chứng bệnh khiếp sợ nhất lúc bấy giờ là bệnh phong cùi.
Trong giáo huấn của Ngài, Chúa Giêsu còn đi xa hơn: Ngài đồng hóa mình với những người bệnh tật, những người nghèo đói, những kẻ sa cơ lỡ bước, những người bị cầm tù, Ngài nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”. Qua cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập giá. Chúa Giêsu đã đem lại cho đau khổ và bệnh tật ý nghĩa và giá trị cứu rỗi.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết học nơi Chúa tấm lòng quảng đại hy sinh để chúng con đem niềm vui đến chốn u sầu, đem ủi an vào nơi thất vọng. Xin loại trừ trong chúng con sự ích kỷ và tính hưởng thụ cá nhân, để chúng con biết sống vì lợi ích tha nhân. Xin cho thế giới chúng con sống có nhiều người quảng đại như Chúa, để xoa dịu những thương đau cho nhân thế. Xin cho chúng con biết mang tình yêu và sức sống của Chúa vào trong thế gian. Amen

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI -Thứ Ba tuần XXII thường niên - 04/09/12

Lời nói và cuộc sống


Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền (Lc 4,32)


Lạy Chúa Giêsu, Chúa là thầy dạy có uy quyền. Lời Chúa nói có thể thay đổi vận mạng một đời người. Lời Chúa nói có thể làm cho ma quỷ khiếp sợ. Lời Chúa đã mang lại bình an và hoan lạc cho biết bao con người. Xin dạy chúng con biết sống đúng với phẩm giá làm người và làm con cái Chúa. Xin thánh hoá môi miệng chúng con, để chúng con nói lời của Chúa. Xin cho lời chúng con nói luôn mang lại tình hiệp nhất, yêu thương. Xin loại trừ trong chúng con những lời thoá mạ anh em, những lời cay độc kết án anh em. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa sự dịu hiền và khiêm nhường để chúng con sống và làm nhân chứng cho Chúa. Xin dẫn dắt chúng con đi theo chân lý vẹn tuyền và đừng để chúng con lạc xa tình yêu Chúa.

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI- Thứ Hai tuần XXII thường niên -03/09/12

Tiếp nối sứ mạng của Đức Giêsu


Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn (Lc 4,18)

Suy niệm: 
Sứ mạng của chúng ta nối tiếp sứ mạng Chúa Giêsu, là mang Tin Mừng và ơn cứu độ cho mọi người. Nếu có ưu tiên cho ai, thì đó là những kẻ nghèo khổ chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, chứ không phải là những người bà con, bạn bè thân thuộc chúng ta.
Thế nào là “Loan Tin Mừng cho người nghèo khổ?” Những người nghèo khổ quanh tôi là ai? Tôi có quan tâm ưu tiên đến việc loan báo Tin Mừng cho họ chưa?
Hai câu chuyện Cựu Ước cho thấy các ngôn sứ Êlia và Êlisê ưu ái những người ngoại. Chúa Giêsu cũng thế. Còn tôi, hình như tôi xa lánh người ngoại, tôi e dè với họ, tôi còn giữ nhiều thành kiến về họ, tôi có thái độ tự tôn coi mình hơn họ.
Đối với Chúa Giêsu, người dân Nazarét chỉ mong Ngài nể tình đồng hương mà ưu tiên ban cho họ nhiều đặc ân. Khi ước muốn không đạt thì họ quay mặt phản đối và trục xuất Ngài. Đó là một thái độ hoàn toàn vụ lợi. Phải chăng thái độ của tôi đối với Chúa cũng vụ lợi như thế?
Bài Tin Mừng này làm tôi nhớ đến quê hương, cha mẹ, anh chị em, bà con, bạn bè… Những người này thực sự là nguồn an ủi trợ lực cho tôi. Xin cho họ luôn là trợ lực chứ đừng bao giờ là trở lực cho sứ mạng Tin Mừng của tôi.
Trợ lực và trở lực:
Hai thanh niên lớn lên trong một gia đình với một người cha nghiện rượu. Vì còn trẻ mỗi cậu sống theo ý muốn riêng mình.
Nhiều năm sau, một cậu trở nên nghiện rượu không thể cải thiện. Cậu kia là người chống uống rượu. Một tâm lý gia tìm hiểu hậu quả của việc nghiện rượu gây cho những đứa trẻ trong gia đình, hỏi cậu thứ nhất: “Tại sao anh trở nên người nghiện rượu?” Và cậu thứ hai: “Tại sao anh trở nên người chống rượu?”
Cả hai có cùng câu trả lời: “Ông có thể mong đợi điều gì khác khi ông có người cha như tôi ?”

“Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19)
Tôi lênh đênh trên chiếc xuồng máy vào các xã vùng sâu của miền Đồng Tháp đã được nửa ngày. Là thành viên của đoàn công tác xã hội cứu trợ lũ lụt, hơn chục lần tôi phải leo lên bờ đất trơn tuột, sình lầy để vào những căn lều phong phanh cũ nát. Không khí oi nồng và cảm giác chênh vênh trên mặt nước làm tôi nuốt không trôi mẩu bánh mì ăn trưa. Còn nửa trái quýt, cảm thấy không ăn được nữa tôi nhét vào tay một cậu bé ốm nhách, đen thui như cục than. Không hiểu vì vị ngọt không thể tìm thấy ở vùng đất khắc nghiệt ấy hay vì điều gì mà ánh mắt em nhìn tôi vui vui, thật lạ.
Một niềm vui bé con được thắp lên từ một hành động vô tình. Niềm vui ấy có lẽ sẽ được nhân lên gấp đôi trong tôi nếu tôi biết san sẻ cho em phần ăn với tất cả tấm lòng yêu thương, nhân ái.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin cho con luôn luôn biết đem niềm vui đến cho mọi người, để niềm vui được nhân lên và trở thành hồng ân Chúa tuôn tràn trên nhân loại từng phút giây

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

CHÚA NÓI VỚI TÔI -Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXII Thường niên năm B

Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ô uế. Mc7,15