Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Qua cửa hẹp

Qua cửa hẹp

Thứ Tư Tuần XXX Mùa Thường Niên 
Lời Chúa: 
 Lc 13,22-30

"Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được." (Lc 13,24)

1. Một cặp vợ chồng trẻ nọ chia sẻ cho nhau nghe ước muốn có được một ngôi nhà khang trang. Một nhà tỉ phú tình cờ theo dõi câu chuyện. Với tất cả nghiêm chỉnh, ông đề nghị với họ: nếu cô vợ chịu ngủ với ông một đêm, ông sẽ tặng họ một triệu mỹ kim. Hai vợ chồng đồng ý. Nhưng khi người vợ lên đường đến với nhà tỉ phú thì người chồng cũng bắt đầu hối hận. Nhưng đã quá muộn. Sau một đêm để có một triệu mỹ kim, hai vợ chồng đã tan vỡ. Con đường dễ dãi là con đường dẫn tới hư mất. Sự thành đạt thường không đến cách ngẫu nhiên, mà là kết quả của những cố gắng và kiên nhẫn lâu dài. (Trích: Mỗi ngày một tin vui)
2. Chịu ảnh hưởng của nền văn minh hưởng thụ, người thời nay có khuynh hướng làm cho mọi việc thành thoải mái dễ chịu, kể cả việc sống đạo. Thí dụ: trong nhà thờ ghế phải rộng và êm, phải có quạt máy, cha phải giảng ngắn. Những lời nhắc nhở của ĐGH về hôn nhân bất khả li, về luật cấm phá thai, về độc thân Linh mục… bị coi là chói tai nên không được đáp ứng. Cách sống đạo như thế không phải là đi qua cửa hẹp. Thánh Phaolô đã so sánh cuộc sống tín hữu như một cuộc chạy đua: để đạt huy chương, người lực sĩ nào cũng phải dày công khổ luyện.
3. Chúa Giêsu nói với dân chúng: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào.” (Lc 13,24)
Đậu tốt nghiệp hạng ưu, thằng nhóc nó vui mừng hớn hở về báo tin cho tôi. Tôi đã đọc được niềm vui trong lòng nó, tôi tự nhủ rằng: “Cậu tú nhà tôi đậu được thủ khoa cũng đáng”, bao công lao thức khuya dậy sớm “dùi mài kinh sử”, nó còn phải giã từ cả sân cỏ: không đá banh, không patin, cũng không bén mảng đến hồ bơi, nó bỏ hết những cuộc chơi.
Từ đó tôi nghiệm ra rằng thành đạt là kết quả của những cố gắng lâu dài mà con đường dẫn đến không dễ dàng, đòi hỏi nhiều hy sinh và phấn đấu. Con đường tiến về quê trời cũng vậy, đòi hỏi tôi lựa chọn đi qua cửa hẹp. Đó chính là điều Chúa Giêsu mời gọi hôm nay, như chính Ngài đã lựa chọn con đường của thập giá.
Lạy Chúa! Mỗi ngày trong cuộc sống của con, xin cho con biết chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào Nước Trời. (Hosanna)
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Sống phút hiện tại

Sống phút hiện tại

Thứ Năm Tuần XXX Mùa Thường Niên 
Lời Chúa: 
 Lc 13,31-35
"Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi." (Lc 13,33)

Suy niệm: 
Hãy sống như sắp chết, để có thể bình an, chết như bước vào cõi sống.
 Một tu sĩ nọ được giao nhiệm vụ may vá. Ngày kia, Thầy ngã bệnh nặng. Trong lúc hấp hối, Thầy nói “Hãy đưa cho tôi chìa khóa thiên đàng”. Những người quanh giường bệnh bối rối nhìn nhau không hiểu Thầy muốn gì. Nhưng một người hiểu ý đưa cây kim cho Thầy. Tu sĩ ấy mỉm cười hài lòng. Cây kim mà Thầy dùng mỗi ngày để may vá cho mọi người trong cộng đoàn chính là chìa khóa mở cửa thiên đàng cho Thầy. (Drinkwater)
Một lần Thánh Gioan Boscô hỏi các học sinh của Ngài đang chơi đùa: “Nếu ngay bây giờ các con biết mình sắp chết, các con sẽ làm gì?” Một số trả lời sẽ đi vào nhà thờ cầu nguyện, một số khác cho biết sẽ đi xưng tội dọn mình chết lành. Riêng Đaminh Savio điềm nhiên trả lời: “Nếu trong giây lát con sẽ chết, con vẫn tiếp tục cuộc chơi”.
Đứng trước mối đe doạ là cái chết, Chúa Giêsu vẫn chu toàn bổn phận người làm con.
Lạy Chúa, xin cho biết sống giây phút hiện tại để chu toàn sứ mệnh người làm con.(Hosanna)
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Lớn lên và trở thành

Lớn lên và trở thành

Thứ Ba Tuần XXX Mùa Thường Niên 
Lời Chúa: 
 Lc 13,18-21

"Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được." (Lc 13,19)
Những lời giảng của Đức Giêsu đã vang lên từ hai mươi thế kỷ.
Nước Thiên Chúa đã được Ngài khai mở và vun trồng mãi đến nay.
Kitô giáo vẫn là một tôn giáo lớn, chiếm một phần ba dân số thế giới.
Nhưng có những lúc chúng ta có cảm tưởng như nó bị chựng lại.
Khi có nhiều nhà thờ phải bán đi vì không có người đi lễ Chúa nhật,
khi các chủng viện hay dòng tu trở nên vắng vẻ, già nua,
khi ở nhiều nơi số linh mục thiếu một cách trầm trọng,
khi tỷ lệ tăng của Kitô hữu không bằng với tỷ lệ tăng của dân số thế giới.
Kitô giáo có tương lai không? Kitô giáo có thể bị tàn lụi không?
Những câu hỏi đó làm nhiều người bận tâm và lo lắng.
Hai dụ ngôn của Đức Giêsu hôm nay đem lại cho ta niềm lạc quan.
Nhưng đó không phải là thứ lạc quan vô trách nhiệm.
Làm cho Nước Thiên Chúa lớn lên và thâm nhập vào thế giới hôm nay,
đó không phải chỉ là chuyện của Thiên Chúa.
Đó là chuyện của từng Kitô hữu chúng ta.
Để hạt cải thành cây, cần một chút chăm bón.
Ai trong chúng ta cũng là một nhúm men nhỏ được vùi trong đống bột,
đống bột của trường học hay công ty, của một tập thể hay cộng đồng.
Làm sao để men của chúng ta tạo ra những tác dụng tốt?
Không cần phải làm những việc lớn lao để thay đổi bộ mặt thế giới.
Chỉ xin làm một nhúm men nhỏ để đến với những người tôi gặp hôm nay.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt cải.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Gọi và chọn

 Gọi và chọn
Thứ hai - Thánh Simon và thánh Giuđa, tông đồ
"Suốt đêm, Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Người gọi và chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ." (Lc 6,12-13)



"Cuộc đời là một chuỗi những chọn lựa. Chúng ta có thể chọn dựa trên ý thích hay phán đoán riêng của mình. Nhưng chúng ta cũng có thể chọn dựa trên ý Đấng Tạo Hóa."
Khi làm người ở đời, chúng ta cũng phải chọn như Đức Giêsu.
Cuộc đời là một chuỗi những chọn lựa.
Những chọn lựa nhỏ và lớn làm nên cuộc đời.
Chúng ta có thể chọn dựa trên ý thích hay phán đoán riêng của mình.
Nhưng chúng ta cũng có thể chọn dựa trên ý Đấng Tạo Hóa.
Điều này đòi chúng ta phải ra khỏi mình, không coi mình là trung tâm.
Thánh Inhaxiô mời người làm linh thao
“không ước muốn sức khỏe hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ,
danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn chết yểu,
và tương tự như thế đối với mọi sự khác.”
Khi có thái độ siêu thoát như trên, ta mới có thể chọn điều Chúa muốn.
Sau một đêm cầu nguyện, đến sáng Đức Giêsu mới quyết định.
Ngài gọi và chọn nhóm Mười Hai tông đồ theo ý Cha.
Chúng ta cũng được gọi và chọn, dù là giáo dân hay tu sĩ.
Chúng ta cũng rất khác nhau như mười hai khuôn mặt các vị tông đồ.
Chỉ mong chúng ta đừng dùng tự do mình để trở nên kẻ phản bội.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.

Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.

Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.

Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.

Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.

Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

XIN THƯƠNG XÓT CON

                                               
XIN THƯƠNG XÓT CON
Lời Chúa: Lc 18, 9-14
"Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi" Lc 18,12
Tội lỗi hay công đức
đều có thể làm ta khép lại hay mở ra.
Ðiều quan trọng là thấy mình luôn luôn cần Chúa.
Tiếc là ông pharisêu chưa nhận ra khuyết điểm của mình.
Ông về nhà mà không biết mình chẳng được Chúaưu ái.
Ông về nhà mà vẫn khép kín tự mãn như lúc lên đền.
Làm sao tôi có được sự trung tín của người pharisêu
và sự khiêm hạ của người thu thuế?
Làm sao tôi tận dụng mọi năng lực Chúa ban
mà vẫn hoàn toàn phó thác cho Chúa định liệu?
Ước gì đời tôi có nhiều kẽ hở để Chúa vào.
Cầu nguyn:
Lạy Cha, những tội chúng con phạm
vừa mang dáng dấp của tội Ađam
vừa mang dáng dấp của tội Cain.
Tội nào cũng là khép lại trên chính mình,
khước từ Thiên Chúa và quay lưng trước anh em.
Tội nào cũng là lấy mình làm trung tâm
và qui tất cả về mình.
Xin cho chúng con đừng nhìn ngắm công trạng của mình,
nhưng nhìn vào những nén bạc Cha giao
mà chúng con chưa đầu tư sinh lợi cho đủ.
Xin cho chúng con đừng tự mãn nhìn về quá khứ,
nhưng hướng đến tương lai với bao điều cần thực hiện.
Lạy Cha, xin cho chúng con đừng lấy đức hạnh của mình
làm thước đo người khác,
đừng cứng cỏi lạnh lùng khi đánh giá tha nhân.
Ước gì chúng con có quả tim như Con Cha,
hiền lành và khiêm nhượng,
để chúng con có thể mở ra đến vô cùng
trước những đòi hỏi của Cha và nhu cầu của anh em. Amen.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu,

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Sám hối

Sám hối

Thứ Bảy Tuần XXIX Mùa Thường Niên 
Lời Chúa: 
Lc 13,1-9

"Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy." (Lc 13,5)
“Hãy sám hối”, đó là câu nói được khẩn thiết kêu gọi rất nhiều lần bởi Gioan Tiền hô, bởi Chúa Giêsu, bởi các tông đồ và bởi Giáo Hội. Tại sao? Vì con người luôn đi lệch đường. Sám hối là nhận ra mình đang lệch đường và mau mắn quay về đường chính.

Lạy Chúa, xin giúp con sám hối, xin biến đổi tâm hồn con, để mọi việc con làm, mọi điều con suy nghĩ đều dựa trên tình yêu. (Hosanna)
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúng con cảm tạ Chúa đã thương ngự đến tâm hồn chúng con. Dù rằng chúng con còn tội lỗi trăm bề. Dù rằng tâm hồn chúng con còn bị ràng buộc bởi biết bao những cám dỗ của danh lợi thú. Xin giúp chúng con biết quay trở về với Chúa, biết sám hối để nhận ra tội lỗi của mình và tình thương bao la hải hà của Chúa.
Lạy Chúa, đã bao lần chúng con sám hối trở về, đã bao lần chúng con đấm ngực ăn năn, thế mà tội chúng con vẫn phạm, tật xấu chúng con vẫn cố giữ. Và hôm nay, Chúa vẫn kiên trì mời gọi chúng con sám hối trở về. Chúa mời gọi chúng con hãy lấy lời Chúa làm kim chỉ nam cho đời sống của mình. Chúa bảo chúng con phải thực thi giới luật yêu thương. Một tình yêu thương chân thành để loại bỏ những đố kỵ, ghen tương. Một tình yêu nồng nàn để chúng con có thể yêu tha nhân như chính mình.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin giúp chúng con sám hối cho xứng với tình yêu ban tặng của Chúa. Xin biến đổi tâm hồn chúng con theo mẫu gương yêu thương của Chúa. Xin cho mọi việc chúng con làm, mọi lời chúng con nói, mọi tư tưởng chúng con suy nghĩ luôn dựa trên giới luật mến Chúa, yêu người. Amen.
(Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)

 

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Nhận xét thời đại

Nhận xét thời đại




Thứ Năm Tuần XXIX Mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
Lc 12,54-59




"Cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?" (Lc 12,56)
Suy gẫm:
Thiếu bén nhạy về mặt tôn giáo cũng là cơn bệnh của con người thời nay.
Thiên Chúa vẫn nói với con người hôm nay qua các dấu chỉ.
Vấn đề là làm sao đọc được ý nghĩa của những dấu chỉ đó.
Thiên Chúa không hiện ra để dạy con người biết tôn trọng trái đất.
Nhưng những hậu quả mà con người phải chịu là lời nhắc nhở của Ngài.
Khi trái đất ấm dần lên, khi băng tan ra và mực nước biển dâng cao,
một số phần đất của quê hương ta sẽ bị chìm dưới nước.
Khi người dân chặt phá rừng, thì lụt lội và hạn hán là chuyện dĩ nhiên.
Cơn bệnh của thế kỷ cũng có thể là một lời nhắc nhở.
Thiên Chúa mời gọi vợ chồng sống chung thủy trong hôn nhân,
và mời các bạn trẻ sống trong sạch trước khi lập hôn ước.
Ngay cả cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng là một dấu chỉ.
Con người được mời gọi tìm ra những cơ cấu kinh tế vững vàng hơn,
để không bị một số ít nhà tư bản hay nước tư bản thao túng.
Mở mắt to để thấy, mở tai to để nghe, đó phải là thái độ của Kitô hữu,
vì hôm nay Thiên Chúa vẫn nói, vẫn làm nơi Đức Kitô, Con của Ngài.
Ngài vẫn nói với chúng ta qua hơn 90% người Việt Nam chưa biết Chúa.
Ngài vẫn nói với ta khi có những bạn trẻ Kitô hữu nghiện ngập, hư hỏng.
Ngài vẫn mời chúng ta làm một điều gì đó cho bao người nghèo khó,
cho trẻ em thất học, cho những phụ nữ lỡ làng, cho những người neo đơn.
Chỉ xin cho ta cảm được chút gió nhẹ của Chúa trong đời ta.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới:
Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này
là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.

Con mơ ước
không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng,
bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.

Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,
không còn những cô gái đứng đường
hay những người ăn xin.

Con mơ ước
những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng,
các ông chủ coi công nhân như anh em.

Con mơ ước
tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,
các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.

Lạy Chúa của con,
con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,
xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,
và xanh của bao niềm hy vọng
nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.

Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,
thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
Phải chi lửa ấy đã bùng lên (24.10.2013 – Thứ

Lửa yêu

Lửa yêu




Thứ Năm Tuần XXIX Mùa Thường Niên


Lời Chúa: 
Lc 12,49-53

"Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên." (Lc 12,49)

Suy niệm: 

Bằng hai hình ảnh "hoà bình" và "chia rẽ", Chúa Giêsu kêu gọi người ta chọn lựa thái độ trước Phúc Âm của Ngài (cc 51-53) : Nhiều người nghĩ rằng Đấng Messia là Đấng mang hoà bình đến (x. Is 9,5). Chúa Giêsu xác nhận rằng đúng thực, sứ mạng của Ngài là một sứ mạng hoà bình (Is 9,5tt ; Dcr 9,10 ; Lc 2,14 ; Ep 2,14-15). Nhưng Ngài thấy cần giải thích thêm : chữ "Hoà bình" có nhiều nghĩa : hoà bình kiểu thế gian và hoà bình của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói rằng Ngài đến thế gian không phải để đem hoà bình kiểu thế gian, mà là thứ hoà bình của Thiên Chúa. Thứ hoà bình của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mang đến, người ta chỉ sẽ nhận được sau khi người ta đã cố gắng chiến đấu để sống theo Phúc Âm của Ngài. Thực tế cho thấy là sứ vụ của Chúa Giêsu đã gặp chống đối, và Lời rao giảng của Ngài đã gây ra chia rẽ giữa những người tin và những người không tin, chia rẽ xảy ra ngay trong lòng một gia đình (Lc 2,35 : có chia rẽ, thì tâm tư người ta mới lộ ra).

Mong ước của tôi là được nhận ra những khao khát của Chúa Giêsu trước khi bước vào cuộc Thương Khó: “Thầy ước mong phải chi lửa ấy - ngọn lửa yêu thương mà Ngài đã ném vào mặt đất - cháy bùng lên!”
Chúa Giêsu ơi, con cũng muốn sống những thao thức của Giêsu, bằng cuộc sống yêu thương, và dấn thân cho tình yêu. Xin giúp con Chúa nhé! (Hosanna)
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã mang ngọn lửa yêu thương ném vào thế gian. Chúa hằng ước mong cho ngọn lửa ấy mãi bừng lên. Xin đốt nóng chúng con trong tình yêu Chúa. Xin giúp chúng con biết thực thi ước mơ của Chúa, khi chúng con mang lửa yêu thương dâng tặng nhau.
Nhưng Chúa ơi, cuộc đời hôm nay có quá nhiều bóng tối. Bóng tối của bất công và sa đoạ. Bóng tối của hận thù, chia rẽ. Bóng tối của nghèo đói, lạc hậu. Bóng tối ở ngay trong lòng chúng con. Bóng tối quá dày đặc mà ngọn lửa chúng con lại quá yếu đuối. Xin Chúa luôn ở bên chúng con. Xin ban thêm ơn trợ giúp để chúng con vượt thắng gian nan, để mang lửa yêu thương xoá tan bất công hận thù, mang lửa bác ái, cảm thông để sưởi ấm lòng người. Xin huấn luyện chúng con thành chiến sĩ luôn hăng say chiến đấu, để đẩy lùi bóng tối tội lỗi ra khỏi mọi nơi mọi chỗ, để kiến tạo một thế giới đầy ánh sáng tình thương.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, là ngọn lửa thiêng không bao giờ lịm tắt, xin hun nóng tâm hồn chúng con, và xoá tan những băng giá của ích lỷ đang thống trị tâm hồn chúng con. Xin xoá tan bóng tối tội lỗi đang chìm ngập tâm hồn chúng con. Xin mang lại cho chúng con ánh sáng của tin yêu và hy vọng để nhờ đó chúng con hăng say rao truyền tình yêu Chúa cho thế gian. Amen.
(Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

TỈNH THỨC TRONG PHỤC VỤ

TỈNH THỨC TRONG PHỤC VỤ
Thứ Tư Tuần XXIX Mùa Thường Niên 
Lời Chúa: 
Lc 12,39-48 
"Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn." Lc 12,48
Chuyện kể:
Danh họa Ý Leonard de Vinci có kể một dụ ngôn: Giữa một ngôi vườn xinh tươi, có một cây sồi cao, chung quanh là một rừng cây. Cây sồi ngày một lên cao ngạo nghễ. Một hôm, từ trên nhìn xuống, nó ra lệnh cho người làm vườn đốn những cây chung quanh, vì chúng làm vướng víu, quấy rầy và che bóng của nó. Và như thế, cây sồi loại hết mọi cây cỏ để chỉ còn một mình bá chủ ngôi vườn. Thế nhưng một ngày kia, một trận cuồng phong nổi lên, không còn cây cối chung quanh chống đỡ cho bớt gió, cây sồi ngả rạp giữa vườn và chết một cách thê thảm.

Suy niệm:
Số phận của những người chà đạp người khác để tiến thân cũng giống như cây sồi trong dụ ngôn trên đây. Người ta thường nói: "Trèo cao, té nặng", bởi vì để lên cao, họ đã đạp đổ tất cả người khác, đến độ khi trượt chân té ngã, họ không còn ai nâng đỡ họ.

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói lên quan niệm của Ngài về quyền bính. Các Tông đồ không ngừng tranh luận với nhau về quyền bính; cái giấc mộng công hầu khanh tướng luôn ám ảnh các ông, ai trong các ông cũng muốn ngồi chỗ cao trong Vương Quốc mà họ tưởng Chúa Giêsu đã đến để thiết lập. Nhưng đối lại với tham vọng ấy, Chúa Giêsu cho thấy rằng quyền bính là để phục vụ; trong Nước Ngài, kẻ càng được trao nhiều quyền hành, càng phải là người phục vụ, mà phục vụ theo đúng nghĩa là hoàn toàn quên mình để sống cho người khác.

Do phép Rửa, người Kitô hữu chúng ta được tham dự vào chức vị vương giả của Chúa Kitô. Chúa Kitô là Vua, nhưng là Vua của phục vụ. Cung cách vương giả của Ngài là quì trước các môn đệ và rửa chân cho họ. Do đó, tham dự chức vụ vương giả của Chúa Kitô, chúng ta cũng được trao cho một thứ quyền bính, và quyền bính ấy tương đương với phục vụ. Người ta không thể là Kitô hữu, không thể là môn đệ Chúa Kitô mà lại khước từ phục vụ.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tỉnh thức. Sự tỉnh thức đích thực của người Kitô hữu chính là phục vụ. Càng phục vụ, họ càng nhận ra được Nước Chúa đang đến; càng phục vụ, họ càng nên giống Chúa trong cung cách vương giả của Ngài. Ai lãnh nhận nhiều sẽ bị đòi nhiều. Ân sủng dồi dào mà chúng ta lãnh nhận qua Bí Tích Rửa Tội là để san sẻ; tình yêu chúng ta cảm nhận được trong đức tin là để trao ban. Sự thức tỉnh đích thực của người Kitô hữu chính là ý thức rằng sống là để yêu thương và phục vụ, và đó cũng là hạnh phúc đích thực, vì "cho thì có phúc hơn là nhận". Ước gì chúng ta luôn thức tỉnh trong hướng đi ấy. Amen

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Chủ sẽ phục vụ

Chủ sẽ phục vụ

Thứ Ba Tuần XXIX Mùa Thường Niên 
Lời Chúa: 
Lc 12,35-38 
"Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ"(Lc 12,35.36)
 
 
Đó là mối phúc dành cho người tỉnh thức vào giờ lẽ ra đang yên ngủ.
Canh hai, canh ba, là đã quá nửa đêm về gần sáng (c. 38).
Kitô hữu biết mình chờ ai, chờ một người sớm muộn chắc chắn sẽ đến.
Chờ một cách tích cực với thái độ sẵn sàng làm việc dưới ánh đèn.
Hạnh phúc đến với tiếng gõ cửa đầu tiên trong đêm.
Chúng ta mong nghe được tiếng gõ nhẹ ấy như một tiếng gọi.
Xin mở cửa ngay để được thấy tận mắt Thiên Chúa phục vụ con người.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,
không có giờ đi vào sa mạc
để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.
Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.
Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu
là con có thể tạo ra sa mạc.

Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa
mà con đã bỏ mất :
Khi chờ một người bạn,
chờ đèn xanh ở ngã tư,
chờ món hàng đang được gói.
Khi lên cầu thang,
khi đến nơi làm việc,
khi kẹt xe,
khi cúp điện bất ngờ.
Thay vì bực bội hay nóng ruột
con lại thấy mình sống an bình
trong sự hiện diện của Chúa.

Lạy Chúa,
những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày
giúp con tỉnh thức
để nhạy cảm với ý Chúa.

Xin cho con yêu mến Chúa hơn
để tìm ra những sa mạc mới
và vui vẻ bước vào.

(gợi hứng từ Madeleine Delbrêl)
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
 

Tiền của

Tiền của

Thứ Hai Tuần XXIX Mùa Thường Niên 
Lời Chúa: 
Lc 12,13-21

"Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?" (Lc 12,20)
 Một ông già nghèo ngồi bên cửa sổ lo lắng cho tương lai. Một người lạ mặt ôm một con ngỗng đến tặng ông già và nói: “Ông hãy chăm sóc con ngỗng này chu đáo thì nó sẽ giúp ích cho ông”. Rồi người đó đi mất. Ông già nghèo đem con ngỗng vào nhà, cho nó ăn, cho nó uống, ban đêm cho nó ngủ trong một cái lồng sạch sẽ. Sáng hôm sau khi nhín vào chiếc lồng ông vui mừng thấy một quả trứng ngỗng bằng vàng. Ông mang quả trứng ra tiệm bán được một số tiền lớn, mua được đủ mọi thứ cần thiết cho cuộc sống. Hôm sau ông được thêm một trứng ngỗng vàng nữa. Hôm sau nữa cũng vậy. Cứ thế mỗi ngày ông nhặt được một quả trứng vàng. Từ đó ông không còn nghèo nữa, ông sống rất thoải mái. Nhưng dần dần ông trở thành tham lam. Ông không chịu mỗi ngày chỉ có một trứng, ông không thể chờ cho tới hết tuần mới có được 7 trứng. Ông muốn có ngay một lúc tất cả những trứng vàng của con ngỗng. Thế là ông mổ bụng con ngỗng ra. Nhưng ông chẳng thấy quả trứng nào trong đó cả. Ông vội may bụng ngỗng lại mong nó đừng chết. Nhưng vô ích. Khi đó người lạ mặt kia trở lại, và nói: “Trước đây tôi đã chẳng bảo với ông rằng nếu ông chăm sóc con ngỗng tử tế thì nó sẽ giúp ích cho ông sao? Bây giờ cả ông lẫn tôi đều đã mất tất cả”.

Chúa Giêsu ơi, như ngài đã dạy chúng con, chết không phải là hết, nhưng chỉ là đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu. Xin giúp con biết sống trọn vẹn ở đời này. để con khỏi ngỡ ngàng trước phúc Thiên Đàng Chúa đang chờ con. (Hosanna)
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Xin dạy con biết giá trị đích thực của đồng tiền và biết cách sử dụng chúng như “tên đầy tớ trung thành” mà vươn tới hạnh phúc mai sau. Amen

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Kiên trì

Kiên trì

  Chúa Nhật Tuần XXIX Mùa Thường Niên 

Lời Chúa: 

Lc 18,1-8

"Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?" (Lc 18,7)



Có 3 người bị kẹt trong một căn phòng tối tăm và chẳng có cửa gì cả. Họ làm thế nào để thoát khỏi tình trạng bế tắc này ?
- Người thứ nhất là một nhà văn. Anh không có Đức Tin. Anh ngồi đấy và luôn miệng nguyền rủa.
- Người thứ hai là một tín hữu sốt sắng. Anh đã quỳ gối cầu nguyện rất lâu, sau đó ngồi xuống chờ phép lạ.
- Người thứ ba cũng là một tín hữu làm nghề thợ xây, vừa đạo đức vừa thực tế. Sau khi cầu nguyện, anh lấy từ túi đồ nghề ra một cây búa và một chiếc đục, rồi bắt đầu đục tường. Công việc rất lâu lắc và cực nhọc. Bụi bắn vào mặt anh, vào cả mắt anh. Mồ hôi anh nhễ nhại. Nhưng anh vẫn kiên trì đục. Thỉnh thoảng dừng lại nói "Lạy Chúa, xin cứu giúp chúng con".
Đang lúc đó người thứ nhất vẫn ngồi ở một góc, vừa hút thuốc vừa nguyền rủa ; người thứ hai ở một góc khác tiếp tục cầu nguyện.
Cuối cùng người thứ ba đã mở được một lỗ lớn trong vách tường và cả 3 người đã thoát ra khỏi căn phòng.
Trên đây là 3 thái độ khác nhau đối với sự cầu nguyện :
- Người thứ nhất coi cầu nguyện là mất giờ. Vì anh không có Đức Tin nên thái độ của anh cũng hợp lý thôi. Nếu bạn không tin Chúa thì cầu nguyện với Ngài sao được ?
- Người thứ hai coi cầu nguyện là một sự thay thế cho làm việc, vì thế sau khi cầu nguyện xong người ấy ngồi chờ Chúa giúp. Phải thành thật nhìn nhận rằng chúng ta cũng nhiều lần cầu nguyện cách này, đặc biệt là khi chúng ta cầu nguyện cho người khác. Chỉ là những lời nói, và những lời đó trở thành một cái cớ để ta khỏi làm việc.
- Người thứ ba tin tưởng vào hiệu quả của cầu nguyện, hiệu quả ấy không thay thế làm việc, mà là trợ lực cho làm việc. Cầu xin điều gì thì đồng thời cũng cố gắng làm bất cứ việc gì có thể để đạt được điều đó. Sự cầu nguyện này khơi lên niềm hy vọng và khuyến khích lòng can đảm. Nó cũng giúp ta cảm nhận rằng Chúa ở kề bên ta và không bỏ mặc ta trong cảnh khó khăn.
.

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, chúng con là những người yếu đuối, bất toàn và bất nhẫn, không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải đạo.
Xin cho chúng con biết khiêm tốn, vâng theo ơn soi sáng của Thánh Thần, để chúng con biết sống theo Thánh ý Chúa, hầu bền đỗ trong Đức Tin và trung thành theo Chúa đến cùng. Amen. (TP)

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Anh em hãy đi

Anh em hãy đi

Ngày 18/10: Thánh Luca

Lời Chúa: 

Lc 10,1-9


"Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về." (Lc 10,2)



Nếu phải thực hiện một chuyến đi dài, tôi sẽ mang theo thứ gì? Chắc chắn là những gì gọn nhất, nhẹ nhất, cần thiết nhất. Và hôm nay, trong lệnh truyền của Chúa Giêsu tôi đọc được nét nhẹ nhàng thanh thoát ấy trong bước chân của người môn đệ không giày dép, bao bị, tiền nong...
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trên hành trình tiến về nhà Chúa, xin giải thoát con khỏi những ràng buộc của bản thân, của lề thói xã hội, để biết trao ban cho anh em chính Chúa chứ không phải chính con.
Xin thương ban cho chúng con quyền năng của Chúa để chúng con được canh tân và dấn thân nhiều hơn nữa, để chu toàn tốt hơn sứ mệnh Chúa đã trao phó cho trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Xin Chúa hãy thương hiện diện với chúng con và cùng hoạt động với chúng con luôn mãi.

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Đừng sợ

Đừng sợ 

Thứ Sáu Tuần XXVIII Mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
Lc 12, 1-7



"Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ." (Lc 12,7)



Chuyện kể:  Một hôm Đức Ala gọi một Thiên sứ đến và truyền lệnh: “Ngươi hãy xuống trần gian để đưa về đây người đàn bà góa có 4 đứa con thơ”. Thiên sứ ra đi, gặp ngay người đàn bà góa đang cho đứa con nhỏ nhất bú. Ngài nhìn người đàn bà với 4 đứa con dại, rồi lại lên Đức Ala để tha thiết nài xin rút lại lệnh truyền. Làm sao có thể nhẫn tâm tách lìa người mẹ khỏi những đứa con thơ ấy? Nhưng lời van xin của Sứ thần chẳng mảy may đánh động được Đức Ala. Cuối cùng Sứ thần đành phải vâng lệnh Đức Ala mà cướp người mẹ góa khỏi bầy con thơ và đưa về trời. Hoàn thành công tác, nhưng xem chừng vị thiên sứ lại có vẻ buồn. Phải, làm sao vui được trước cảnh chia ly giữa mẹ và con? Thấy sứ thần buồn, Đức Ala gọi đến và đưa vào sa mạc. Ngài chỉ cho sứ thần thấy một tảng đá lớn và bảo đập nó ra. Tảng đá vừa vỡ đôi, sứ thần ngạc nhiên vô cùng, vì từ trong tảng đá một con sâu nhỏ từ từ bò ra. Chợt hiểu được ý nghĩa của sự kiện ấy, sứ thần bỗng thốt lên: “Ôi lạy Đấng tối cao, mầu nhiệm thay công cuộc sáng tạo của Ngài. Với sự khôn ngoan thượng trí và tình yêu vô biên, Ngài đã không bỏ mặc một thụ tạo bé nhỏ như con sâu kia, thì hẳn Ngài cũng sẽ không quên được 4 đứa trẻ mồ côi là con cái của Ngài.” (Trích: Món quà giáng sinh)
Suy gẫm: " Đừng sợ" Chúa Giêsu đưa ra lời trấn an này vào giữa lúc các môn đệ Ngài nhận ra sự chống đối của biệt phái đối với Chúa Giêsu. Theo Chúa Giêsu Kitô, người môn đệ đồng chịu số phận chống đối. Đó là chuyện đương nhiên, không thể có con đường nào khác. Ngay trong chính bản thân, những xâu xé, giằng co cũng là chuyện không thể tránh được. Thế nhưng Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy an tâm, bởi vì Thiên Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta. Ngài không cất khỏi chúng ta những chống đối, đau khổ và sự chết. Ngài chỉ cho chúng ta thấy đâu là ý nghĩa của đau khổ, đâu là cùng đích cuộc đời. (Trích: Mỗi ngày một tin vui)
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa là tinh yêu. Chúa yêu thương hết mọi loài chúng con. Từ những bông hoa cỏ dại, đến những loài chim bé bỏng, Chúa đều yêu thương chăm sóc. Riêng con người, Chúa còn yêu thương hơn tất cả vạn vật bội phần, vì chúng con là hình ảnh của Chúa. Xin cho chúng con biết phó thác đời mình cho tình thương vô biên của Chúa. Xin giúp chúng con vượt thắng bản thân mình để can đảm sống cho niềm tin của mình.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Giả hình

Giả hình

Thứ Tư Tuần XXVIII Mùa Thường Niên 
Lời Chúa: 
Lc 11,42-46



"Khốn cho các người! Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng. " (Lc 11,43)


Thomas K. Beecher không chịu nổi sự lừa dối dưới bất cứ hình thức nào. Khi thấy chiếc đồng hồ trong nhà thờ cứ khi thì chạy sớm khi thì chạy trễ, ông treo một tấm bảng phía trên chiếc đồng hồ ấy, với hàng chữ: “Xin đừng trách mắng đôi cánh tay tôi. Cái đáng trách nằm sâu hơn thế nhiều.” Beecher muốn nói hai điều; điều thứ nhất: đừng trách hai chiếc kim đồng hồ mà hãy trách những bánh xe bên trong đồng hồ; điều thứ hai: có khi tay ta cử động sai, chân ta bước không đúng, môi miệng ta nói không chỉnh... nhưng quan trọng hơn chính là tội lỗi nằm sâu ngay trong tâm hồn của ta.


Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúng con cảm tạ Chúa đã tạo dựng chúng con giống hình ảnh Chúa. Chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con Bánh Bởi Trời là sự sống Thần Linh nuôi dưỡng xác hồn chúng con. Xin gìn giữ phẩm giá là hình ảnh của Chúa nơi chúng con. Xin đừng để tội lỗi làm mất vẻ đẹp của tâm hồn chúng con. Xin giúp chúng con đừng dễ dãi chiều theo tính xác thịt mà đánh mất sự hiệp thông với Chúa.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Chúa hằng tha thiết mời gọi chúng con thanh tẩy mình mỗi ngày nên hoàn hảo hơn. Chúa luôn mời gọi chúng con loại bỏ thói giả hình, đạo đức giả để sống chân thật trước mặt Chúa và tha nhân. Nhưng Chúa ơi! Sao chúng con khó có thể sống thật với lòng mình quá! Chúng con thường đóng kịch trước tha nhân. Chúng con luôn che đậy những ý đồ xấu, những việc làm xấu bằng rất nhiều những hành vi bác ái bên ngoài. Có khi chúng con làm việc lành bác ái nhưng chỉ để che đậy biết bao việc lỗi công bình bác ái với tha nhân. Có khi chúng con tham dự thánh lễ nhưng lòng chúng con thì xa lìa Chúa bởi tội lỗi vẫn nằm sâu trong bản tính loài người chúng con. Xin tha thứ cho những yếu đuối của chúng con. Xin giúp chúng con biết sửa mình mỗi ngày, biết canh tân đời sống cho xứng với tình yêu mà Chúa dành cho chúng con.
Lạy Chúa, Chúa là Đấng chân thật. Xin giúp chúng con luôn yêu mến sự thật, luôn sống theo sự thật để tìm được sự bình an của tâm hồn chân thật. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)