Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Khiêm tốn


Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh
Lời Chúa: 
 Ga 3,22-30
"Niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại." (Ga 3,30)

“Từ các hàng ghế đại biểu, chúng tôi chứng kiến những đôi mắt thấm đẫm niềm vui của hàng trăm thầy cô giáo, ban giám hiệu các trường dõi theo bước chân học trò mình lên nhận thưởng…” Bài báo khiến tôi lâng lâng một cảm giác khó tả. “Phía sau chùm hoa ấy… là dấu chân lặng thầm”. Thật vậy, phía sau những thành công và niềm vui của học trò là những đêm thức trắng, những tháng ngày lo lắng vun đắp của các thầy cô giáo. Quý thầy cô là những người tiên phong dọn đường cho thế hệ trẻ tiến bước, vươn cao và vươn lên mãi.
Ông Gioan Tẩy giả cũng là người đi trước dọn đường cho Chúa đến. Ngài lặng lẽ dâng trọn cuộc đời mình mở đường cho Chúa đến, để mọi người được phúc chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện nơi Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế.
Xin cho con luôn tìm được niềm vui và hạnh phúc khi phục vụ tha nhân, khi dọn đường cho Chúa đến với các tâm hồn. (Epphata)
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Ơn Chúa


Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh
Lời Chúa: 
Lc 5,12-16

"Người giơ tay chạm đến người ấy và nói: Ta muốn, hãy nên trơn sạch." (Lc 5,13)
Người mắc bệnh phong, vì muốn được khỏi bệnh nên đã tìm đến với Chúa Giêsu. Chúa cũng muốn anh được chữa lành nên đã chạm đến anh.
Chúa cũng đã chạm đến tôi nhiều lần: khi tôi rước lễ, khi tôi cầu nguyện, đọc sách thánh… nhưng dường như chẳng có gì thay đổi nơi tôi cả! Phải chăng vì tôi chưa thực sự tin tưởng vào Chúa và thực tâm muốn được chữa lành?
Lạy Chúa, xin cho con khao khát được canh tân và ước muốn được chữa lành, để con luôn bước đến với Chúa và được hoàn toàn đổi mới. (Epphata)

Sai tôi đi


Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh
Lời Chúa: 
Lc 4,14-22a

"Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó." (Lc 4,18)
Một người bạn kể lại: “… Trong lớp tôi dạy, có một em tên Bi bị khuyết tật bẩm sinh: sứt môi và điếc một tai trái. Bị các bạn chế diễu, em luôn cảm thấy bị bỏ rơi, thua thiệt. Em trở nên khép kín và xa lánh mọi người. Một hôm, tôi cho các em được tự do đi lại trong lớp và có thể nói nhỏ vào tai bất kỳ một người bạn nào những gì mình thích. Bi ngồi đó, không tham gia, cũng không chờ đợi. Và chính lúc đó, tôi đã đến nói nhỏ vào tai em “Ước gì Bi là đứa em nhỏ của cô!” Bi ngước mắt ngạc nhiên như dò hỏi “Có thật không cô?” Và tôi đã ôm chầm lấy em.”
Kỳ diệu thay luồng gió của Thánh Thần! Ngài vẫn tác động trên tâm hồn con người, ngay trên người bạn của tôi, để luôn biết cảm thông và trao tặng… Hành vi ấy đang tiếp nối những hành vi của Chúa Giêsu, Đấng đã được Thánh Thần thúc đẩy để đem Phúc Âm cho người nghèo khó.
Lạy Chúa, khi con đói, xin gởi đến con người cần của ăn. Khi con cô đơn, xin gởi đến con người cần được thông cảm. (Epphata)

Đừng sợ

Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh
Lời Chúa: 
Mc 6,45-52




Người liền lên tiếng bảo họ rằng: "Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ." (Mc 6,50)
Sứ mạng của các môn đệ là truyền bá Phúc Âm khắp nơi. Bởi đó mặc dù sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng quyến luyến mến phục các môn đệ, Chúa cũng “bắt” họ “lập tức” rời nơi đó để đi đến các nơi khác. Nếu tình cảm nhân loại tự nhiên mà cản trở sứ mạng của chúng ta, thì dù nó có chính đáng đi nữa, ta cũng không nên quá quyến luyến để nó trở thành bận vướng.
Cuộc hành trình của các môn đệ (và của chúng ta) đôi khi khó khăn nguy hiểm như đang đi trong bão táp. Cảm giác tự nhiên là hoảng sợ như đang gặp ma. Nhưng nếu biết có Chúa đang đồng hành thì ta sẽ yên tâm: “Chính Thầy đây, đừng sợ”.
 Bão táp diễn ra khi các môn đệ đi thuyền qua “bờ bên kia”, tức là qua vùng đất của dân ngoại. Cơn bão này tượng trưng cho những khó khăn nguy hiểm trong việc truyền bá Phúc Âm cho dân ngoại. Nỗi sợ của các môn đệ cũng là nỗi e ngại sợ sệt của các nhà truyền giáo khi đứng trước vùng đất lạ của lương dân. Lời Chúa Giêsu trấn an các môn đệ xưa cũng là Lời Ngài trấn an chúng ta ngày nay: “Chính Thầy đây, đừng sợ”.

Chúa thương


Thứ Ba sau Lễ Hiển Linh
Lời Chúa: 
Mc 6,34-44

"Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ." (Mc 6,34)
Bởi động lòng thương xót nên Ngài đã hóa bánh ra nhiều từ 5 chiếc bánh và 2 con cá. Ngài không chỉ quan tâm đến cái đói thể xác nhưng còn muốn ban phát tình thương, của ăn mà nhân loại đang thiếu. Thực vậy, một trong những nghịch lý của thế giới hôm nay là thiểu số người giàu chia nhau đa phần tài nguyên thế giới, là sản lượng của các nước phát triển không ngừng gia tăng; bên cạnh hàng loạt các nước thuộc thế giới thứ ba vẫn mãi nghèo đói. Nạn đói lan tràn, chiến tranh tiếp diễn, thất nghiệp gia tăng… cứ như điệp khúc của bản tin thời sự mỗi ngày. Cái thiếu thốn của thế giới hôm nay chính là tình thương, lòng nhân ái.
Bản thân tôi cũng lãnh nhận nhiều hơn là cho đi, nhưng vẫn luôn thoái thác như các tông đồ xưa: “Làm sao thỏa mãn những nhu cầu của kẻ khác, một khi sức mình có hạn?”
Xin cho con hiểu rằng chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. (Epphata)
                                                                                                       (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Hãy hối cải


Thứ Hai sau Lễ Hiển Linh
Lời Chúa: 
Mt 4,12-17.23-25

Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: "Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến". (Mt 4,17)
. “Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”. Câu này cũng có nghĩa vì Nước Trời đã đến gần nên con người phải sám hối; nó cũng có nghĩa hãy sám hối để mình có thể vào Nước Trời; và cũng có nghĩa hãy sám hối để Nước Trời có thể đến giữa mọi người.

Vui mừng


Chúa Nhật Lễ Hiển Linh
Lời Chúa: 
Mt 2,1-12


“Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng.” (Mt 2,10)
Suy niệm:

Đêm trước lễ Noel, một cô bé nghèo muốn dành hết số tiền ít ỏi của mình để mua cho chị một chuỗi ngọc lam quý giá. Số tiền quá ít, không đủ, nhưng tình yêu của cô bé thật tuyệt vời ! Nó như một ánh sao làm bừng lên niềm tin yêu cuộc sống cho anh bán hàng đang tuyệt vọng khổ đau.
Noel năm nay, tôi ước ao rằng mãi về sau, trên máng cỏ đời mình vẫn luôn có một ngôi sao lấp lánh.
Chúa Hài đồng ơi. Xin lớn lên trong lòng con, để cả cuộc đời con ngời lên như ánh sao của Chúa. (Epphata)

Suy niệm


Ngày 01 Tháng 01 - Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa
Lời Chúa: 
Lc 2,16-21

"Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng." (Lc 2,19)
Đức Mẹ Maria đã thinh lặng không chỉ lúc này, nhưng trong suốt cuộc đời Người. Được làm Mẹ Thiên Chúa nhưng chung quanh Người chẳng có mấy ai biết đến tước hiệu này... Tại Cana, Người đã nhẹ nhàng báo cho Chúa Giêsu biết bữa tiệc không còn rượu nữa. Trong cuộc đời công khai của Chúa, Người đã âm thầm theo bước chân Con. Và bên chân Thánh Giá, trong nỗi đau đớn tột cùng, Người đã chứng kiến những giờ phút cuối cùng của Con. Người đã sống tâm tình của một nữ tì khiêm tốn. Người chỉ muốn phục vụ trong âm thầm, còn vinh quang danh dự thì Người xin dành cho người khác.
Trong một thế giới có quá nhiều tiếng động: tiếng động của bom đạn, của tranh chấp, của bạo lực, chúng ta hãy bắt chước thái độ thinh lặng và lắng nghe của Đức Mẹ, nhờ đó chúng ta sẽ tìm được bình an trong tâm hồn và tạo được hòa khí trong tương quan với tha nhân.

Thánh Gia Na-da-rét, gương mẫu mọi gia đình

Lễ Thánh Gia Thất - Năm A
Lời Chúa: 
Mt 2,13-15.19-23

"Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét" (Mt 2,21.23)
Suy niệm:
Để bảo vệ Hài nhi Giêsu khỏi sa vào nanh vuốt Hêrôđê, Thánh Giuse và Đức Maria đã phải vượt qua con đường hiểm trở dài gần 500 cây số xuyên qua sa mạc El-Arish đến Ai Cập, một sa mạc trải dài hơn 200 cây số toàn cát trắng như biển cả mênh mông, không một bóng cây, một cọng cỏ, một giếng nước. Đoàn lữ hành phải đeo đủ đồ ăn, nước uống để chịu đựng cả nửa tháng rất kham khổ. Năm mươi năm trước Chúa Giáng sinh, đoàn quân Rôma phải vượt qua quãng đường này thấy khủng khiếp hơn đánh nhau với quân Ai cập. Năm 1967, đại quân Ai cập đã sa lầy trong sa mạc này khi chiến tranh với quân do thái.
Sự khủng khiếp của những đoàn quân hùng mạnh làm ta cảm thấy sự khốn cực của Thánh Gia lúc đi tị nạn. Ngày ngày các ngài phải lê gót từng bước chân trên cát lầy sụp lở, vượt qua các đồi cát dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt, giữa biển cát nóng hừng hực, vẫn phải tiết kiệm từng giọt nước và những cơn bão cát khủng khiếp như muốn chôn sống các ngài.
Có một số sách hoang đường mô tả cuộc tị nạn của Thánh Gia như thiên đường: những dã thú hiền từ đến lậy dưới chân Chúa Hài Nhi, những cây chà là rợp bóng rũ trái để các Ngài ngủ mát, ăn điểm tâm; nước chảy lênh láng để các Ngài giải khát, tắm rửa giữa sa mạc! (Ricciotti, Vie de Jésus-Christ, p. 268)
Ở trần gian, Thánh Gia không được hưởng cảnh thanh nhàn đó. Chúa muốn các Ngài phải chịu trăm chiều đau khổ để nêu gương cho ta khi gặp gian nan biết vui lòng hy sinh như các Ngài, nhất là khi gặp thử thách để bảo vệ Hài Nhi Giêsu, bảo vệ Hội Thánh, bảo vệ đức tin và các hài nhi con cháu mình. Phải bảo vệ hài nhi khỏi tay kẻ dữ, khỏi không bị hận thù bất công, khỏi bạn bè gian ác, trộm cắp, đồi truỵ. Đó là nhiệm vụ của cha mẹ, của các vị tinh thần và mọi kitô hữu.
Biết bao hài nhi đã bị huỷ hoại trong bào thai, khi chào đời lại bị cha mẹ vô luân liệng bỏ, và bị bao nhiêu tệ nạn xấu xô đẩy. Thật khổ tâm!
Cách bảo vệ hài nhi an toàn nhất là hãy tỉnh thức nghe tiếng Chúa trong lương tri, trong Phúc Âm và giáo huấn của Hội Thánh, mới mong tránh khỏi tay những Hêrôđê tàn bạo. Nhất là hãy dắt con em mình đến nương ẩn dưới cánh tay uy quyền và tình thương bao la của Chúa, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse.
(Lm Vũ khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá, năm A)